"Nga có lẽ sẽ là một trong những nước đầu tiên sản xuất vaccine, dù hàng tỷ USD đã được đầu tư vào Mỹ và tất cả công ty dược phẩm đang nhắm đến mục tiêu này. Chuyện sẽ gây sốc một chút", Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), tổ chức được chính phủ hậu thuẫn và đang tài trợ hoạt động nghiên cứu vaccine Covid-19, cho biết.
Trước đó, Anh, Mỹ và Canada đều cáo buộc nhóm tin tặc APT29, vốn bị coi là một bộ phận của tình báo Nga, đang tấn công mạng những tổ chức nghiên cứu và phát triển vaccine phòng Covid-19 của họ. Giới chức tình báo Anh đánh giá đây là nỗ lực đánh cắp tài sản trí tuệ hơn là làm gián đoạn nghiên cứu. Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 17/7 "mạnh mẽ bác bỏ" những cáo buộc mà ông cho rằng vô căn cứ này.
Dmitriev cũng cho hay Nga không cần đánh cắp thông tin từ các đối thủ, bởi họ đã ký hợp đồng với công ty dược phẩm AstraZeneca để sản xuất vaccine Covid-19 của Đại học Oxford, Anh, tại R-Pharm, một trong những công ty dược phẩm lớn nhất Nga. Ông nói thêm rằng AstraZeneca đang chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật và tất cả thành phần để tái sản xuất vaccine một cách đầy đủ tại Nga.
"Mọi thứ cần thiết để sản xuất vaccine do Anh nghiên cứu đã được chuyển giao cho R-Pharm. AstraZeneca vốn đã ký cam kết chuyển giao toàn bộ việc sản xuất vaccine cho R-Pharm", Dmitriev nói.
AstraZeneca, công ty dược phẩm đa quốc gia trụ sở tại Anh, cũng tuyên bố Nga sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất và cung cấp vaccine cho thị trường quốc tế, với kế hoạch xuất khẩu tới hơn 30 nước ở Trung Đông, vùng Balkan và Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (CIS), bao gồm những nước từng thuộc Liên Xô. Theo thỏa thuận giữa hai bên, R-Pharm sẽ sản xuất vaccine thành phẩm nếu vaccine của Đại học Oxford thành công.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây tỏ ra hoài nghi về khả năng ra mắt vaccine vào tháng 9 của Nga. "Chúng tôi không nghĩ đó là sự thật", Peter Shapiro, nhà phân tích lĩnh vực dược tại công ty nghiên cứu GlobalData của Anh, cho hay, đồng thời cảnh báo Nga có thể phê duyệt vaccine vì lý do chính trị giống như nhiều nước khác. "Các tiêu chuẩn quản lý ở Nga khá thấp", ông nói.
Shapiro nói thêm rằng ngay cả khi một loại vaccine phòng Covid-19 được thông qua tại Nga, nó cũng ít có khả năng được phương Tây chấp thuận. "Chúng tôi thấy những vaccine được phát triển ở Nga thường không được công nhận trên các thị trường lớn như Mỹ, Nhật và Tây Âu. Nga không phải nhà sản xuất lớn trong ngành xuất khẩu thuốc và sản phẩm sinh học chất lượng", ông cho biết.
Tổng thống Vladimir Putin đưa mục tiêu tìm ra vaccine Covid-19 thành ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh Nga đã ghi nhận hơn 777.000 ca nhiễm nCoV và hơn 12.000 người chết, là vùng dịch lớn thứ tư thế giới. Mỹ, Tây Âu và Trung Quốc cũng đều thành lập các chương trình nghiên cứu và chuỗi cung ứng phục vụ việc sản xuất vaccine Covid-19.
Mặc dù thỏa thuận với AstraZeneca trao cho Nga cơ hội phân phối vaccine của Đại học Oxford nếu nó được chứng minh hiệu quả, cuộc chiến toàn cầu nhằm đảm bảo nguồn cung có thể khiến Nga khó tiếp cận những vaccine có khả năng thành công khác, dẫn tới tăng thêm áp lực thúc đẩy chương trình của chính mình.
Dmitriev cho biết ông tự tin vào tiềm năng của một loại vaccine do Nga phát triển đến mức đã tự tiêm cho bản thân và cả gia đình, bao gồm cha mẹ ngoài 70 tuổi. Loại vaccine này do RDIF tài trợ và được Viện Gamaleya ở Moskva phát triển, đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn một trên 50 người, tất cả đều là binh sĩ quân đội Nga. Kết quả chưa được công bố.
Phó thủ tướng Nga Tatyana Golikova hôm 15/7 cho biết vaccine trên là một trong 26 loại thử nghiệm đang được phát triển ở nước này, với công thức tương tự một loại vaccine mà công ty sinh học CanSino của Trung Quốc dự định chuyển sang thử nghiệm tại Canada, một trong những nước cáo buộc tin tặc Nga tấn công họ.
Vaccine sẽ bắt đầu được thử nghiệm giai đoạn ba trên hàng nghìn người vào ngày 3/8, tiến hành tại Nga cùng Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Dmitriev cho biết. Ông nói thêm rằng Nga có thể sản xuất 30 triệu liều nội địa và 170 triệu liều cho nước ngoài trong năm 2020, với 5 quốc gia đang bày tỏ mong muốn sản xuất vaccine.
Bên cạnh việc sản xuất vaccine cho AstraZeneca, R-Pharm còn theo đuổi mục tiêu sản xuất vaccine riêng của Nga. Công ty dược phẩm Alium, trụ sở ở Moskva và thuộc sở hữu của tỷ phú Vladimir Evtushenkov, cũng đồng ý sản xuất loại vaccine tiềm năng nhất tại Nga.
Cách tiếp cận nhanh chóng của Nga, với chỉ ba tháng thử nghiệm vaccine, rất khác so với Tây Âu và Mỹ, nơi các nhà nghiên cứu thường tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ ba suốt nhiều tháng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Trong một động thái bất thường khác, Dmitriev cho biết vaccine đã được tiêm cho "số lượng đáng kể" tình nguyện viên, cả trong và ngoài thử nghiệm chính thức.
Điều này khiến các nhà phân tích nghi ngờ sự vội vàng của Nga. "Trong tình hình hiện tại, việc tìm ra vaccine giống như một cuộc đua, với những thử nghiệm lâm sàng không được thực hiện đầy đủ", Sergey Shulyak, giám đốc điều hành công ty tư vấn DSM Group ở Moskva, nhận xét.
Tuy nhiên, Nga có lịch sử phát triển những vaccine sử dụng virus adeno, một loại virus cảm cúm thông thường mà Viện Gamaleya đang lấy làm cơ sở điều chế vaccine Covid-19. Họ còn tạo ra vaccine phòng Ebola sử dụng công nghệ tương tự, đã được cấp phép tại Nga để dùng trong trường hợp khẩn cấp và được kỳ vọng sớm triển khai ở Congo.
Trên thực tế, Nga cũng ngày càng tích cực thúc đẩy khả năng sản xuất vaccine ở châu Phi. Hồi năm 2014, chính phủ Nga cùng tập đoàn Rusal đã mở Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Phòng chống Bệnh Truyền nhiễm Nga - Guinea ở Guinea, quốc gia thuộc khu vực Tây Phi.
Ánh Ngọc (Theo Bloomberg)