Kênh truyền hình Nga Rossiya 24 hôm 16/10 công bố hình ảnh được phóng viên hiện trường ghi lại ở tỉnh Kursk, cho thấy tháp pháo xe tăng Challenger 2 của Ukraine nằm dưới đất, giữa một vạt rừng. Phần nóc và phía sau tháp pháo đã bị xé toạc, chỉ còn lại mặt trước, cụm nòng pháo và một phần sườn bộ phận này.
Lostarmour, trang phân tích thông tin tình báo dựa trên các nguồn công khai có trụ sở tại Nga, cho biết tháp pháo này là của chiếc Challenger 2 bị máy bay không người lái (UAV) tự sát Lancet tập kích gần làng Sheptukhovka, tây nam tỉnh Kursk, hồi giữa tháng 8.
WarGonzo, kênh Telegram ủng hộ quân đội Nga với hơn một triệu lượt theo dõi, cho rằng Challenger 2 có chung điểm yếu với các xe tăng hệ Liên Xô như T-64, T-72, T-80 và T-90. "Nó dùng đầu đạn và liều phóng tách rời, phần lớn nằm ở khoang chứa trong thân, khiến xe tăng trở thành thùng thuốc nổ trên bánh xích", tài khoản này viết.
Một số chuyên gia đánh giá khoang đạn trong thân là vị trí được bảo vệ tốt nhất trên xe tăng, vì có nhiều lớp giáp kiên cố bao bọc xung quanh và khó bị bắn trúng hơn tháp pháo. Tuy nhiên, nếu đạn xuyên giáp của đối phương đánh trúng vị trí này, các đầu đạn và liều phóng bên trong sẽ phát nổ dữ dội, thậm chí dẫn đến hiện tượng "nổ bay tháp pháo".
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Truyền hình quốc phòng Nga hồi giữa tháng 8 công bố video UAV theo dõi một xe tăng Ukraine rút về nơi trú ẩn trong rừng. Phi cơ tự sát Lancet sau đó lao xuống mục tiêu, gây ra vụ nổ dữ dội. Quân đội Nga không nêu chủng loại xe tăng, nhưng các tài khoản ủng hộ chiến dịch của Moskva nói rằng đó là chiếc Challenger 2 tham chiến tại Kursk.
Anh viện trợ tổng cộng 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, tất cả được biên chế cho Lữ đoàn Xung kích Đường không số 82 từ tháng 3/2023. Xe tăng Challenger 2 đầu tiên của Ukraine bị bắn cháy gần làng chiến lược Rabotino ở tỉnh Zaporizhzhia hồi tháng 9/2023, đánh dấu lần đầu mẫu xe tăng này bị đối phương phá hủy hoàn toàn kể từ khi được Anh đưa vào biên chế.
Quân đội Ukraine sau đó rút Challenger 2 về tuyến sau và sử dụng nó như ổ hỏa lực di động, tránh đụng độ trực tiếp với tên lửa dẫn đường và drone tự sát của Nga.
Các binh sĩ Ukraine hồi tháng 3 tiết lộ rằng chỉ 7 chiếc Challenger 2 còn khả năng chiến đấu. Trong 6 xe còn lại, một chiếc dành để huấn luyện ở hậu phương, 5 xe hư hỏng nhưng chưa có phụ tùng thay thế. Hai xe bị hư hại trong chiến đấu nhưng đã được sửa chữa, trong đó một chiếc phải thay nòng pháo.
Truyền thông Anh hồi tháng 8 cho biết Ukraine đã triển khai Challenger 2 cho chiến dịch tại tỉnh Kursk của Nga, đồng thời công bố ảnh hiện trường tháp pháo nghi của một chiếc Challenger 2 bị bắn nổ.
Nguyễn Tiến (Theo Rossiya 24, AFP, AP)