"Giới lãnh đạo Ba Lan đang chờ đợi thời điểm thuận lợi để nắm quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine ở miền tây. Vì vậy, Ba Lan không muốn và phản đối giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine", lãnh đạo Cục Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin hôm nay cho hay.
Trong quá khứ, Ba Lan từng kiểm soát một số vùng lãnh thổ hiện thuộc Ukraine. Miền tây Ukraine, bao gồm thành phố Lviv, đã được nhập vào Liên Xô hồi cuối Thế chiến II.
Ông Naryshkin đồng thời cáo buộc phương Tây đang thúc đẩy Gruzia bước vào cuộc xung đột với Nga.
"Chúng tôi thấy những nỗ lực dai dẳng của Mỹ, Liên minh châu Âu và Anh nhằm thuyết phục giới lãnh đạo Gruzia về sự cần thiết phải mở cái gọi là mặt trận thứ hai. Họ thấy tình hình hiện tại trên chiến trường không có lợi cho Ukraine và đang buộc Gruzia bước vào cuộc xung đột với Nga", ông Naryshkin nhấn mạnh.
Ba Lan, Mỹ và các nước khác chưa phản hồi về những phát biểu của lãnh đạo tình báo Nga.
Ba Lan ủng hộ mạnh mẽ Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch cuối tháng 2/2022 và đã cung cấp vũ khí cho Kiev. Cam kết của Ba Lan với nước láng giềng đã đóng vai trò quan trọng để thuyết phục các đồng minh châu Âu khác cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev, trong đó có xe tăng chủ lực.
Gruzia tháng trước đối mặt tình trạng bất ổn khi hàng chục nghìn người đổ về trước tòa nhà quốc hội ở thủ đô Tbilisi để phản đối dự luật kiểm soát các tổ chức phi chính phủ và truyền thông thuộc diện "đặc vụ nước ngoài". Người biểu tình chỉ trích dự luật này là "luật Nga", khi cho rằng các điều khoản của nó giống hệt đạo luật kiểm soát các tổ chức phi chính phủ được Nga ban hành năm 2012. Phe đối lập cáo buộc đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia chịu ảnh hưởng từ Nga, xây dựng luật mới nhằm kiểm soát ảnh hưởng của phương Tây.
Đảng Giấc mơ Gruzia ngày 9/3 thông báo rút dự luật nhằm giảm không khí đối đầu, đồng thời cáo buộc phe đối lập "lan truyền thông tin cực đoan".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố dự luật được dùng làm cái cớ để bắt đầu nỗ lực nhằm thay đổi chính phủ Gruzia bằng vũ lực. Theo ông, các cuộc biểu tình tại Gruzia "được dàn dựng từ nước ngoài với mục đích gây căng thẳng ở biên giới Nga" và phe đối lập ở Gruzia "được phép làm bất cứ điều gì họ muốn vì lợi ích của phương Tây".
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho rằng "có bàn tay hữu hình" cố gắng thêm các yếu tố chống Nga vào biểu tình tại Gruzia.
Huyền Lê (Theo Reuters, Belta News)