"Chúng tôi coi kế hoạch khiêu khích nhằm cung cấp cho Kiev các tổ hợp S-300, cũng như những hệ thống phòng không do Liên Xô và Nga sản xuất là hành vi thù địch công khai đối với Nga", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 19/12 cảnh báo.
Bà Zakharova tuyên bố kế hoạch chuyển tên lửa S-300 cho Ukraine "vi phạm trắng trợn các thỏa thuận giữa Nga với Hy lạp về hợp tác kỹ thuật và quân sự". Các hiệp ước được hai nước ký năm 1995 và 2013 quy định "cấm Hy Lạp tái xuất các thiết bị quân sự do Nga sản xuất nếu không được Moskva đồng ý".
"Chà đạp lên các cam kết của mình theo thỏa thuận chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả", bà Zakharova cảnh báo. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, chuyển giao tổ hợp S-300 cho Ukraine "mâu thuẫn với quan điểm của phần lớn dân Hy Lạp", đồng thời nói các cuộc thăm dò "cho thấy hơn 70% dân Hy Lạp phản đối bơm vũ khí cho Ukraine".
Hy Lạp chưa bình luận về tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 18/12, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikolaos Panagiotopoulos cho biết nước này có thể chuyển các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho Ukraine nếu Mỹ thay thế chúng bằng Patriot.
"Có thể rút tên lửa S-300 nếu Mỹ triển khai tổ hợp Patriot trên đảo Crete và chúng được tích hợp, kết nối với mạng lưới phòng không quốc gia", ông Panagiotopoulos nói. "Quy trình tương tự có thể áp dụng với bất cứ tổ hợp phòng không nào do Nga sản xuất mà họ muốn chuyển tới Ukraine".
Truyền thông Hy Lạp nhận định bình luận của Bộ trưởng Panagiotopoulos cho thấy nước này có thể chuyển các tổ hợp phòng không như Tor-M1 và Osa-AKM cho Ukraine. Tuy nhiên, giới chức Hy Lạp nhiều lần tuyên bố "không hy sinh an ninh quốc phòng của đất nước để hỗ trợ Ukraine".
Một tổ hợp S-300 gồm 6 xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL), mỗi xe mang được tối đa 4 đạn, cùng xe chỉ huy và radar các loại. Radar điều khiển hỏa lực 30N6E2 có thể dẫn bắn cho 12 tên lửa cùng lúc nhằm vào 6 mục tiêu riêng rẽ với tầm bắn tối đa 195 km.
Liên Xô bắt đầu đưa S-300 vào biên chế từ năm 1978, hiện có gần 20 quốc gia trên thế giới sở hữu tổ hợp phòng không này. Nga sở hữu tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng.
Hy Lạp, quốc gia thành viên NATO, sở hữu một trung đoàn gồm 4 tổ hợp S-300 PMU1, với 8 khẩu đội có 32 xe phóng. Hy Lạp đang sở hữu khoảng 175 đạn tên lửa S-300. Slovakia, một quốc gia thành viên NATO khác, hồi tháng 4 chuyển cho Ukraine một khẩu đội S-300PMU cùng đạn tên lửa.
Nguyễn Tiến (Theo RT, Greek City Times)