Trong phiên họp ngày 4/10 của Ủy ban Thứ nhất Đại hội đồng, cơ quan phụ trách các vấn đề về an ninh và kiểm soát vũ khí của LHQ, ông Vladimir Yermakov, người đứng đầu Cục Kiểm soát và Không phổ biến hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố Nga "hoàn toàn cam kết với nguyên tắc không có chiến tranh hạt nhân giữa các quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử".
"Điều này đã được thể hiện trong tuyên bố chung của lãnh đạo các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hồi tháng 1. Nga hoàn toàn tuân thủ cam kết đó", ông Yermakov nói.
Cũng trong phiên họp, Konstantin Vorontsov, phó trưởng phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc, cho rằng Mỹ đang tiến tới lằn ranh nguy hiểm khi tiếp tục chuyển giao vũ khí, thông tin tình báo và thậm chí là cả các cố vấn tới Ukraine, gây nguy cơ đụng độ trực tiếp với Nga.
Tuyên bố được Vorontsov đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, thông báo Washington sẽ cung cấp cho Kiev thêm gói hỗ trợ an ninh 625 triệu USD. Ông Zelensky cảm ơn Mỹ vì đã "tiếp tục hỗ trợ quốc phòng và tài chính".
"Hành động này không chỉ kéo dài hoạt động thù địch và gây thêm thương vong, mà còn khiến tình hình tiến sát hơn tới ngưỡng đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga với NATO", ông Vorontsov bổ sung. Đây là cảnh báo mới nhất của Moskva liên quan đến nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa Nga và Mỹ, hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm nay viết trên Telegram rằng việc Mỹ tăng viện trợ quân sự cho Ukraine là "mối đe dọa trực tiếp đến các lợi ích chiến lược của Nga".
Gói hỗ trợ 625 triệu USD của Mỹ cho Ukraine bao gồm các vũ khí, thiết bị bổ sung như 4 hệ thống pháo HIMARS và các tên lửa đi kèm, 32 lựu pháo Howitzer, đạn và xe bọc thép. Mỹ tới nay đã cam kết cung cấp cho Ukraine 20 hệ thống HIMARS.
Đây là gói viện trợ đầu tiên của Mỹ kể từ khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh Ukraine và là gói thứ hai sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống (PDA) từ khi Ukraine đạt được bước tiến lớn trên chiến trường vào giữa tháng 9.
Các lực lượng Ukraine đã tái kiểm soát khoảng 9.000 km2 lãnh thổ và giành lại thành phố chiến lược Lyman ở tỉnh miền đông Donetsk từ Nga. Ukraine hiện đã điều thêm lực lượng tới củng cố Lyman và phát triển đà tấn công. Ông Zelensky ngày 4/10 khẳng định Ukraine đang có những bước tiến mạnh mẽ ở miền nam và giành lại hàng chục ngôi làng trong tuần này.
Trước đà phản công của quân đội Ukraine, lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, ngày 1/10 cho rằng Nga nên cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ trên chiến trường Ukraine.
Những lời đe dọa này đã khiến giới quan sát và quan chức phương Tây lo ngại về nguy cơ Nga sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ trên chiến trường Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng Nga sẽ "lợi bất cập hại" nếu sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật tại quốc gia láng giềng.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3/10 tuyên bố vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên những cơ sở được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân của Nga và chiến lược quân sự của Nga "không dựa trên cảm tính".
Nga là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới tính theo số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước này sở hữu. Moskva có tới 5.977 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 5.428 đầu đạn, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.
Như Tâm (Theo Reuters, RT)