Phiên thảo luận với phần trao đổi giữa các diễn giả đến từ cơ quan Chính phủ chuyên trách, cũng như các công ty sản xuất ôtô tại Việt Nam về ngành công nghiệp ôtô tại thị trường nội địa.
Các diễn giả có ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Nguyễn Minh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty sản xuất Ôtô Hyundai Thành Công, ông Hoàng Chí Trung - Tổng giám đốc VinFast Trading Việt Nam, và ông Nguyễn Trung Hiếu - Ban hoạch định chiến lược công ty Toyota Việt Nam.
"Có nên giữ thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô hay không?" là câu hỏi được ông Thành Lê, Quản trị diễn đàn Otofun, đặt câu hỏi chung cho các khách mời ở phần cuối của phiên thảo luận.
Bà Chí Bình trả lời: "Đây là câu hỏi chung của người tiêu dùng. Khi chúng ta không muốn đi xe máy nữa thì phải đi ôtô. Vậy, ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi rất mong là thuế về 0". Trong khi đó, theo ông Phạm Tuấn Anh, các cơ quan ban ngành cũng đang thu thập những phản hồi từ các doanh nghiệp cũng như ngành liên quan để có một phương án phù hợp.
Ông Nguyễn Trung Hiếu cũng ủng hộ việc thay đổi thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên theo ông Hiếu, đứng dưới góc độ quản lý Nhà nước, đây không phải là câu chuyện dễ dàng, nhất là cân đối ngân sách. Điều cần làm là phải có một lộ trình rõ ràng, phù hợp với sự phát triển chung của thị trường xe ôtô Việt Nam.
Trước đó, buổi tọa đàm bắt đầu với phần phát biểu về chủ đề "Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam - Nhiều tiềm năng, lắm thách thức" của ông Nguyễn Minh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất Ôtô Hyundai Thành Công.
Hiện nay, Thành Công đang có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai, công suất đến 100.000 chiếc mỗi năm sau khi nhà máy thứ nhất ở Ninh Bình đã hoạt động kể từ 2007. Nhưng Thành Công cũng như nhiều đơn vị khác vẫn gặp nhiều vướng mắc và nhiều bài toán kinh tế cần giải quyết, cần sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Từ đó, câu chuyện về thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô Việt Nam được các diễn giả trao đổi thẳng thắn. Bà Trương Thị Chí Bình cho biết, đóng góp của doanh nghiệp phụ trợ cho ngành ôtô rất ít, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam. Hiện chỉ có khoảng 20 đến 30 công ty có thể cung cấp linh kiện để lắp được vào xe ôtô.
"Cũng phải nói rằng nguyên nhân là do sản lượng của thị trường ôtô chưa hấp dẫn, hiện nay các công ty này mới chỉ tập trung đầu tư cung cấp các kinh kiện cho xe máy", bà Bình nói.
Ông Trung Hiếu, đại diện Toyota Việt Nam cho biết hãng đang hợp tác với 46 nhà cung ứng, trong đó có 6 cái tên là thuần Việt. Sắp tới, Toyota sẽ hỗ trợ thêm 2 nhà cung ứng khác trong vài năm tới để tăng thị phần của các công ty Việt Nam. Ông này nhấn mạnh rằng, mặc dù có sự hỗ trợ lớn từ công ty mẹ, nhưng Toyota luôn tìm cách để nâng tiêu chuẩn của nhà cung ứng thuần Việt chạm đến tiêu chuẩn thế giới.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất Ôtô Hyundai Thành Công cho biết Huyndai sẵn sàng chia sẻ và hợp tác với các công ty cung ứng, đáp ứng yêu cầu chung của công ty mẹ. Đây là vấn đề nội tại của doanh nghiệp phụ trợ trong nước, cần nỗ lực bắt kịp với tiêu chuẩn của hãng.
Về vấn đề chủ động nguồn linh kiện, ông Hoàng Chí Trung, Tổng Giám đốc VinFast Trading Việt Nam cho biết, hãng này đã có nhiều giải pháp như: Trực tiếp ký hợp đồng với các nhà cung cấp linh kiện hàng đầu trên thế giới; Tiếp tục tìm các đối tác mới để đa dạng nguồn cung; Với các đối tác quan trọng cung cấp linh kiện hiếm, đơn vị có sự chăm sóc đặc biệt, thông báo trước nhu cầu để đối tác có thể chủ động kế hoạch sản xuất...
"Hiện nay, đối với xe điện, mức nội địa hoá của VinFast là 60% và sẽ nâng lên trong thời gian tới. Chúng tôi đã mở nhà máy pin tại Hà Tĩnh để tăng tỷ lệ nội địa hoá", ông Trung nói.
Lý giải cho vấn đề tại sao ngành công nghiệp phụ trợ ôtô của Việt Nam chưa phát triển mạnh, bà Trương Chí Bình nhận định, làm công nghiệp chế tạo rất khó. Tất cả các ngành đã đạt tiêu chuẩn có thể bán cho các công ty sản xuất ôtô tại Việt Nam rất ít, chỉ 300 đến 400 công ty. Ngoài ra, ngành này cũng không hấp dẫn, lãi không bằng các ngành khác. "Ngoài ra, sản lượng không nhiều, động lực ít, một dây chuyển sản xuất chỉ cần 2.000 linh kiện một năm, điều này chưa thể tạo sự thu hút với các công ty nội địa", bà Chí Bình nói thêm.
Từ góc độ nhà hoạch định chiến lược, bà Chí Bình cho biết, Việt Nam đã 5 năm nay theo đuổi câu chuyện này, gần đây tình hình có nhiều thay đổi vì chính phủ hỗ trợ nhiều hơn, doanh nghiệp đã tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn còn rất bé, hy vọng sẽ có vài công ty cung cấp linh kiện lớn mang tầm vóc tương tự Denso nhưng có "quốc tịch" Việt Nam, để có thể cùng ngồi với các ông lớn. Nếu có một đơn vị như vậy, các bên có thể đồng lòng để hiểu nhu cầu, đáp ứng được sự kỳ vọng của thị trường, cùng VinFast, Huyndai vươn ra thế giới", bà Bình nói trong toạ đàm tại Car Awards 2021.
Mỹ Anh
Car Awards 2021 là chương trình chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về bình chọn và vinh danh những mẫu ôtô tiêu biểu của thị trường do VnExpress-Xe tổ chức, nhằm tạo ra nguồn tham khảo uy tín cho độc giả, mang tính hệ thống, có thể tổng hợp những đánh giá của các chuyên gia và người dùng nhiều kinh nghiệm. Hệ sinh thái Car Awards 2021 có hàng loạt sự kiện, tâm điểm là bình chọn "Ôtô của năm" và "Ôtô của năm theo từng phân khúc". "Ôtô của năm 2021" là giải thưởng chung cuộc của Car Awards 2021, do Ban tổ chức lựa chọn từ 15 mẫu xe đứng đầu từng phân khúc. Mẫu xe được chọn phải đảm bảo các tiêu chí đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách hàng Việt Nam, đồng thời cập nhật xu hướng của ngành ôtô thế giới, có khả năng dự báo và gợi mở nhu cầu cho người tiêu dùng trong tương lai gần. Giải thưởng ở từng phân khúc sẽ do Ban giám khảo lựa chọn với cấu trúc: 60% số điểm đến từ Hội đồng chuyên môn và 40% số điểm đến từ độc giả nhiều kinh nghiệm. Hội đồng chuyên môn do Ban tổ chức lựa chọn, là các nhà báo chuyên ngành, các chuyên gia đánh giá xe, chuyên gia kỹ thuật, mua bán, sản phẩm. Trong khi đó, độc giả nhiều kinh nghiệm là những người sử dụng xe nhiều năm và hoàn thành bảng câu hỏi chuyên môn do Ban tổ chức đưa ra. |