Điện tâm đồ đo được nhịp tim của bà ở mức đáng lo ngại. Bệnh nhân có nồng độ troponin, một loại protein trong máu cao – dấu hiệu cho thấy cơ tim bị tổn thương, song bác sĩ phát hiện động mạch của bà không bị tắc nghẽn. Bà không bị đau tim, mà mắc Covid-19.
Sau 12 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân này được kết luận âm tính với nCoV và xuất viện.
Những ca bệnh Covid-19 với các triệu chứng bệnh lý tim mạch tương tự cũng được ghi nhận ở Mỹ và một số quốc gia khác, đặt ra một câu hỏi đáng lo ngại với các nhà khoa học. Các bác sĩ có nên xét nghiệm Covid-19 cho tất cả bệnh nhân đau tim không? Ngược lại, có nên đo nồng độ troponin trong máu của tất cả bệnh nhân Covid-19 để xem nCoV đã tấn công tim của họ hay chưa?
"Tôi không biết nên làm như thế nào", bác sĩ tim mạch Nir Uriel tại Đại học Columbia và Đại học Y Weill Cornell, New York nói.
"Chúng tôi nghĩ rằng Covid-19 là một căn bệnh hô hấp, chủ yếu gây tổn thương phổi, Covid-19 không thuộc chuyên môn của các bác sĩ tim mạch", tiến sĩ John Rumsfeld, giám đốc khoa học và chất lượng tại Đại học Tim mạch Mỹ cho biết. "Sau đó, đột nhiên chúng tôi nghe được thông tin nCoV có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tim người".
Báo cáo về trường hợp một bệnh nhân Covid-19 gặp vấn đề tim mạch tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cũng được công bố trên tạp chí JAMA Cardiology hôm 27/3.
Nghiên cứu do tiến sĩ Zhibing Lu, Bệnh viện Zhongnan, Đại học Vũ Hán đứng đầu, phát hiện 20% bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 tại Vũ Hán có dấu hiệu tổn thương tim. Trong số này, nhiều người không có tiền sử bệnh tim mạch, nhưng sau khi mắc Covid-19 thường xuyên có điện tâm đồ bất thường, lượng troponin trong máu tăng cao, đôi khi tăng vọt tới mức chỉ thấy ở những bệnh nhân bị đau tim. Nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân này cao gấp bốn lần bệnh nhân Covid-19 khác không gặp biến chứng tim mạch.
Tạp chí JAMA Cardiology cũng công bố báo cáo của các bác sĩ Italy về trường hợp một bệnh nhân 53 tuổi bị viêm cơ tim, trước đó sức khỏe ổn định.
Giống bệnh nhân tại Brooklyn, cô có điện tâm đồ bất thường, nồng độ troponin trong máu cao. Do tình hình Covid-19 ở Italy diễn biến phức tạp, các bác sĩ đã xét nghiệm Covid-19 cho cô và kết quả dương tính.
Tiến sĩ Enrico Ammirati, chuyên gia viêm cơ tim tại Bệnh viện Niguarda, Milan là người trực tiếp tư vấn trường hợp bệnh này. Ông cho biết rất có khả năng hệ miễn dịch trong cơ thể cô phản ứng với nCoV, gây ra các vấn đề tim mạch.
"Viêm cơ tim có thể do nCoV trực tiếp gây ra, hoặc cũng có thể đây là phản ứng của hệ miễn dịch với sự xuất hiện của virus", tiến sĩ Scott Solomon, bác sĩ tim mạch tại Đại học Y Harvard đồng quan điểm với Enrico.
Đây có thể kết quả của việc hệ miễn dịch mất kiểm soát khi cố gắng chống lại nCoV, tiết ra lượng quá nhiều hóa chất cytokine, gây viêm, tổn thương phổi và tim.
"Hiện tượng này được gọi là cơn bão Cytokine, thường nghiêm trọng hơn ở người già và những người mắc các bệnh mãn tính tiềm ẩn", Scott cho hay. "Điều này lý giải tại sao bệnh nhân Covid-19 gặp biến chứng hô hấp nghiêm trọng có thể tử vong".
Bệnh nhân Covid-19 có biến chứng viêm cơ tim không có nghĩa là số lượng virus trong cơ thể họ nhiều hơn những bệnh nhân không gặp biến chứng này.
Tiến sĩ Peter Libby, bác sĩ tim mạch tại Đại học Y Harvard, cho biết cytokine cũng thúc đẩy quá trình đông máu của cơ thể. Các cục máu đông trong động mạch vành có thể chặn lưu lượng máu, gây ra các cơn đau tim.
Một khả năng khác gây ra biến chứng đau tim ở bệnh nhân Covid-19 là do hậu quả của việc nhiễm trùng phổi.
"Phổi không hoạt động, vì vậy không cung cấp đủ oxy cho cơ thể, tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim", ông nói.
Đồng thời, bệnh nhân Covid-19 thường có biểu hiện sốt, làm tăng quá trình trao đổi chất, tim bơm máu cho cơ thể nhiều hơn. Kết quả, tim của bệnh nhân cần nhiều oxy hơn, trong khi lượng oxy được cơ thể cung cấp không đủ, dẫn đến tổn thương tim.
Một vài chuyên gia cho biết họ cũng không loại trừ khả năng nCoV gây ảnh hưởng trực tiếp tới tim bệnh nhân.
Một bệnh nhân Covid-19 ở Seattle, Mỹ gần đây qua đời sau khi bị block tim (heart block) – tình trạng tim đập không đều, hoặc chậm hơn bình thường do dẫn truyền xung động qua nút nhĩ – thất bị tắc nghẽn một phần hay toàn bộ.
Bác sĩ tim mạch April S. Stempien-Otero tại Đại học Washington, hy vọng việc khám nghiệm tử thi của bệnh nhân này sẽ đưa ra kết luận liệu nCoV có tấn công tim của ông này không.
Song, vẫn còn nhiều điều về nCoV chưa được khoa học làm rõ, do đó, nguyên nhân chính xác gây ra các tổn thương tim sau khi nhiễm Covid-19 cũng chưa được kết luận.
Lê Hằng (Theo New York Times)