"Thông qua các hành động của mình, Tổng thống Vladimir Putin đã tạo động lực to lớn để thế giới tránh xa khí đốt của Nga và chuyển sang các dạng năng lượng khác", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói khi tuyên bố trừng phạt công ty xây dựng đường ống Nord Stream 2 AG của Nga hôm qua.
Tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi Đức đình chỉ dự án đường ống khí đốt này nhằm đáp trả Nga công nhận độc lập với hai vùng ly khai tại Ukraine. Động thái áp trừng phạt Nord Stream 2 nối dài thêm danh sách biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh châu Âu công bố tuần này.
Tổng thống Biden ca ngợi Đức là "người đi đầu" về vấn đề này và cảnh báo "sẽ không ngần ngại thực hiện các bước tiếp theo nếu Nga tiếp tục leo thang căng thẳng".

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 22/2. Ảnh: Reuters.
Nord Stream 2 được coi là con đường hiệu quả để cung cấp năng lượng cho châu Âu qua Đức, nhưng phe chỉ trích cho rằng dự án sẽ thắt chặt sự kìm kẹp chiến lược của Nga đối với các nước châu Âu và làm suy yếu Ukraine.
Nhà Trắng từng ngăn nỗ lực của quốc hội nhằm áp trừng phạt với đường ống, cho rằng nó đã hoàn thành 90% xây dựng vào thời điểm Biden nhậm chức và đồng minh Đức rất mong dự án được hoàn thành.
Tuy nhiên, cả Berlin và Washington đều thay đổi quan điểm trước những động thái gia tăng áp lực quân sự của Moskva với Kiev gần đây. Mỹ cho rằng lệnh đình chỉ của Đức và các biện pháp trừng phạt sẽ chấm dứt dự án này.
"Chúng tôi đảm bảo khoản đầu tư trị giá 11 tỷ USD chỉ còn là đống thép nằm im dưới đáy biển", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói.

Đường ống Nord Stream 2. Đồ họa: Gazprom.
Căng thẳng Ukriane - Nga leo thang sau khi Tổng thống Putin hôm 21/2 duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, hai vùng ly khai tại miền đông Ukraine, đồng thời ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này. Thượng viện Nga đã cho phép điều quân ra nước ngoài, nhưng Putin nói rằng quyết định điều quân đến đông Ukraine "tùy thuộc tình hình thực địa".
Quyết định của Nga đã vấp chỉ trích gay gắt từ Mỹ và các nước phương Tây. Hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga đã được công bố.
Trong khi đó, Nga cáo buộc Ukraine phá hoại thỏa thuận Minsk, đồng thời tố phương Tây "đẩy" Ukraine về phía xung đột. Tuy nhiên, Nga nhấn mạnh cánh cửa ngoại giao vẫn để mở trong khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Biden ngày 22/2 công bố đợt trừng phạt đầu tiên, nhằm giới tinh hoa Nga, ngân hàng VEB và ngân hàng quân đội Nga Promsvyazbank, loại họ khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ, cấm giao dịch với người Mỹ và đóng băng tài sản tại Mỹ. Ông cũng áp trừng phạt trái phiếu chính phủ của Nga, khiến Moskva không thể tiếp cận nguồn tài chính phương Tây.
Xem thêm:
- Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?
- Nga sẽ làm gì tiếp theo tại Ukraine?
- Vì sao phương Tây lo Nga tiến quân vào đông Ukraine?
Thanh Tâm (Theo AFP)