Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 28/9 công bố gói viện trợ an ninh 1,1 tỷ USD cho Ukraine, nâng tổng mức viện trợ được Washington cam kết kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Ukraine lên 16,2 tỷ USD.
Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 18 bệ phóng pháo phản lực HIMARS và đạn dược đi kèm, 150 xe thiết giáp đa dụng, 150 xe kéo pháo, 40 xe tải và 80 xe rơ-moóc để vận chuyển thiết bị hạng nặng, hai radar phòng không, 20 radar đa năng, cùng hệ thống liên lạc bảo mật và áo giáp.
Gói viện trợ dùng ngân sách từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), nguồn tiền được quốc hội Mỹ phân bổ để chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí trực tiếp từ các tập đoàn quốc phòng thay vì rút từ kho dự trữ của quân đội Mỹ.
"Gói viện trợ thể hiện khoản đầu tư kéo dài nhiều năm cho những năng lực thiết yếu nhằm củng cố sức mạnh cho quân đội Ukraine", thông cáo của Lầu Năm Góc có đoạn.
Quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho biết riêng quá trình chuyển giao các hệ thống HIMARS cho Ukraine có thể "kéo dài vài năm". Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl hồi tháng trước nói rằng những gói viện trợ USAI thường mất vài tháng đến vài năm để bàn giao, tùy thuộc quá trình ký hợp đồng với nhà sản xuất.
Mỹ đang là bên hỗ trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với nhiều khí tài hạng nặng hiện đại, trong đó có hệ thống pháo phản lực HIMARS, lựu pháo M777 và máy bay không người lái chiến đấu. Hồi đầu tháng 9, Nhà Trắng đề nghị quốc hội phân bổ thêm 11,7 tỷ USD để hỗ trợ quân sự cho Ukraine vào đầu năm 2023.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270. Hệ thống HIMARS chuyển giao cho Ukraine được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 80-90 km. Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine 16 tổ hợp HIMARS cùng lượng đạn không được công bố chi tiết.
Ngoài đạn M31 đang được Ukraine sử dụng hiện nay, HIMARS còn có thể khai hỏa Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) với tầm bắn khoảng 300 km. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không cung cấp ATACMS cho Ukraine vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga và khiến khủng hoảng leo thang.
Các quan chức chính phủ Mỹ cũng nhiều lần khẳng định quân đội Ukraine cam kết sẽ không dùng HIMARS tấn công vào đất Nga.
Vũ Anh (Theo AFP)