Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/3 ca ngợi liên minh do Mỹ dẫn đầu, gồm NATO, EU và các đối tác quan trọng, vì đã đoàn kết phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Mỹ cùng các đồng minh đã áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào nền kinh tế và khả năng tiếp cận sản phẩm công nghệ cao của Nga.
Tuy nhiên, khi đề cập tới nhóm Bộ Tứ, gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, Tổng thống Biden cho rằng New Delhi có phản ứng không quyết liệt với Nga như các thành viên còn lại.
"Trong nhóm Bộ Tứ, Nhật Bản đã cực kỳ quyết liệt, Australia cũng như vậy khi phản ứng trước hành động của ông Putin, ngoại trừ Ấn Độ có thể hơi lung lay trong một số vấn đề", Tổng thống Mỹ nói.
Chính phủ Ấn Độ chưa bình luận về tuyên bố này của ông Biden.
Tuyên bố được ông Biden đưa ra sau khi Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ hôm 18/3 xác nhận đã mua ba triệu thùng dầu thô từ Nga để đảm bảo nhu cầu năng lượng. Giới chức Ấn Độ khẳng định nước này sẽ mua thêm dầu từ Nga, bất chấp phản ứng của Mỹ và các nước phương Tây.
Mỹ, Anh và các đồng minh đã nhiều lần thúc giục Ấn Độ không mua dầu và khí đốt của Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự tại Ukraine. Báo chí Ấn Độ cho biết Nga đang giảm giá dầu xuống thấp hơn 20% so với giá tiêu chuẩn toàn cầu.
Ấn Độ trước đó bỏ phiếu trắng với nghị quyết lên án chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu 80% lượng dầu sử dụng, thường chỉ mua 2-3% lượng dầu từ Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu tăng 40% trong năm nay, Ấn Độ đang cân nhắc tăng nguồn dầu mua từ Nga khi được giá ưu đãi hơn. Ấn Độ cũng là đối tác vũ khí lớn của Nga với 60% khí tài quân sự mua từ Moskva, dù tỷ lệ này đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua.
Mỹ và các đồng minh đã áp loạt lệnh trừng với Nga như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đưa quan chức cùng tài phiệt nước vào danh sách trừng phạt và hạn chế nhập khẩu dầu, năng lượng Nga.
Nga sau đó thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022, nhằm đáp trả lệnh cấm vận từ phương Tây. Moskva cũng đưa Tổng thống Mỹ Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào danh sách cấm nhập cảnh
Ngọc Ánh (Theo AFP)