"Chúng tôi có những lo ngại sâu sắc về sự tham gia của tập đoàn Wagner ở Sudan. Lực lượng này chỉ mang chết chóc và sự hủy diệt đến những nơi mà họ can dự", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Kenya Alfred Mutua ở thủ đô Washington hôm nay.
Quan chức Mỹ cũng kêu gọi các lãnh đạo quân sự Sudan mở rộng lệnh ngừng bắn, cho biết Washington đang duy trì liên lạc với cả hai phe và tìm cách khôi phục hiện diện ngoại giao ở quốc gia châu Phi càng sớm càng tốt.
Tập đoàn Wagner chưa lên tiếng về thông tin.
Tài liệu tình báo mật bị rò rỉ của Mỹ được Washington Post phân tích hôm 22/4 cho thấy tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga từng cung cấp trang thiết bị và huấn luyện lực lượng an ninh Sudan, cũng như cố vấn cho giới lãnh đạo chính phủ nước này.
Đến nay, chưa có thông tin nào xác nhận các tay súng Wagner đang trực tiếp tham gia xung đột tại Sudan. Tuy nhiên, một số nguồn tin giấu tên nói rằng nhóm dân quân Libya thân cận với Wagner đã cung cấp khí tài quân sự cho Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) dưới quyền tướng Mohamed Hamdan Dagalo, một trong hai phe phái đang giao tranh hiện nay.
Giới chức châu Âu cho biết tướng Dagalo từng đạt thỏa thuận hỗ trợ quân đội Cộng hòa Trung Phi và Wagner tạo hành lang vận chuyển máy móc khai thác, vàng và kim cương hồi tháng 12/2022.
RSF cuối tuần trước phủ nhận liên quan tới Wagner, nhấn mạnh rằng tập đoàn này chỉ có quan hệ với quân đội chính phủ.
Wagner được thành lập năm 2014 và có khoảng 8.000 nhân sự tính tới tháng 4/2022. Tình báo phương Tây coi các tay súng Wagner là "lính đánh thuê Nga", cho biết họ từng tham chiến tại nhiều điểm nóng tại châu Phi và Trung Đông.
Kể từ năm 2018, tập đoàn Wagner đã ký nhiều hợp đồng hỗ trợ an ninh và quân sự với các chính phủ của Cộng hòa Trung Phi và Mali, đồng thời giành được quyền khai thác mỏ khoáng. Với khoảng 5.000 người đóng ở châu Phi, quy mô lực lượng Wagner gần bằng số lượng binh sĩ và nhân viên hỗ trợ của Mỹ ở lục địa, ước tính khoảng 6.000 người.
Với sự ủng hộ của Điện Kremlin, tập đoàn Wagner đã liên tục mở rộng ảnh hưởng chính trị, quân sự và kinh tế ở châu Phi những năm gần đây. Sự xuất hiện của lực lượng Wagner là một trong những nguyên nhân khiến quân đội Pháp phải rút lực lượng khỏi Cộng hòa Trung Phi, Mali và Burkina Faso, làm suy yếu ảnh hưởng chiến lược của Paris trong khu vực.
Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Ai Cập, có dân số gần 48 triệu người. Xung đột bất ngờ nổ ra giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự RSF từ ngày 15/4 sau nhiều tuần căng thẳng vì kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính quy.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 420 người đã thiệt mạng và 3.700 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa hai phe phái, khiến tình hình nhân đạo ở quốc gia này ngày càng trở nên tồi tệ. Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 20.000 người Sudan phải chạy trốn khỏi các khu vực giao tranh và xin tị nạn ở nước láng giềng Chad.
Vũ Anh (Theo AFP)