Tại Baghdad, Đại học Mỹ ở Iraq đã gây náo động với một email ngày 10/10 thông báo áp dụng lệnh cấm sử dụng những chiếc khăn có hoa văn truyền thống của khu vực, trong đó có cả khăn kaffiyeh đen trắng gắn liền với người Palestine.
Vài giờ sau, trước phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, các quản trị viên đã xin lỗi vì thông tin "bị hiểu lầm". Ngày hôm sau, các sinh viên đã tổ chức một cuộc biểu tình, đeo kaffiyeh trong khuôn viên trường, phản đối việc giết hại thường dân Palestine.
Firas Ali, sinh viên khoa học máy tính 22 tuổi, cho biết anh lớn lên với lòng ngưỡng mộ nước Mỹ. Ali học tiếng Anh một phần qua các bộ phim Hollywood, bắt chước giọng Mỹ và tin vào những giá trị được Mỹ đề cao như nhân quyền hay tự do ngôn luận.
Ali cho biết đăng ký học tại Đại học Mỹ là một phần ước mơ được của anh. Nhưng mọi niềm tin và kỳ vọng sụp đổ khi anh chứng kiến thảm cảnh xảy ra đối với dân thường ở Gaza.
"Với tôi, họ từng là người hùng. Điều đó đã thay đổi sau ngày 7/10", anh nói, đề cập đến thời điểm Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel và Tel Aviv đáp trả bằng chiến dịch sâu rộng tại Dải Gaza.
Mohammed Obeid, nhà phân tích chính trị tại Beirut có mối quan hệ thân cận với Hezbollah, nhóm vũ trang Lebanon đối đầu với Israel, cho rằng Mỹ đã là bên tham gia cuộc xung đột ngay từ đầu, bằng cách điều tàu chiến tới hỗ trợ Israel trước khi cử các chính trị gia hoặc nhà ngoại giao đến.
Chỉ một ngày sau vụ tấn công hồi đầu tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thông báo điều một nhóm tác chiến tàu sân bay tới đông Địa Trung Hải, gần Israel. Ngoại trưởng Antony Blinken đến Israel 4 ngày sau đó.
"Trước khi cử các nhà ngoại giao đi tìm giải pháp chính trị, họ đã điều tàu chiến, vũ khí và đe dọa sẽ đáp trả", Obeid nói. "Vì vậy, họ thực sự tham gia vào cuộc xung đột này".
Bình luận của phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby rằng "chúng tôi không vạch ra lằn ranh đỏ cho Israel" đã được phát liên tục trên các hãng tin tiếng Arab. Người Arab cũng chỉ trích Mỹ vì nước này bày tỏ nghi ngờ về thống kê thương vong của người Palestine, do thông tin được công bố bởi cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu độc lập và nhóm nhân đạo đã xác nhận tính chính xác của số liệu.
Không ít người lo ngại lập trường của Mỹ về chiến sự Israel - Hamas khiến các nhóm vũ trang khác trong khu vực giận dữ, qua đó đe dọa ổn định tại một số quốc gia Arab là đồng minh tin cậy nhất với Washington ở Trung Đông.
Các quốc gia như Jordan, Ai Cập và Arab Saudi đều đang hứng chịu sức ép từ hai phía, một bên là nhiệm vụ bảo vệ lợi ích chung của họ với Mỹ và bên còn lại là bầu không khí giận dữ ngày càng dâng cao trong công chúng, đổ lỗi cho Washington về thảm cảnh ở Gaza.

Người đàn ông Palestine đứng bên đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy ở thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza, hôm 23/11. Ảnh: Reuters
Con đường bình thường hóa quan hệ vốn rất nhạy cảm giữa Israel và các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, trong đó có Arab Saudi, đang bị đóng băng. Trong khi đó, một phái đoàn Ngoại trưởng Arab gần đây tới Trung Quốc để đàm phán về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Gaza.
"Sự ủng hộ của Washington với Israel đã làm ảnh hưởng tới quyền lực mềm của Mỹ trong khu vực", Noha Bakr, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mỹ ở Cairo, Ai Cập, nói. "Không ai có thể chịu đựng những gì họ đang phải chứng kiến, khi những người dân thường phải hứng chịu bom đạn".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)