Gói viện trợ 1,5 tỷ USD được Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm nay, trước thềm hội nghị hòa bình Ukraine diễn ra tại thành phố Lucerne của Thụy Sĩ. "Cuộc xung đột vẫn là thất bại toàn diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mỹ cần tiếp tục duy trì các chuẩn mực quốc tế", bà nói.
Trong gói viện trợ, khoảng 500 triệu USD sẽ dành cho ngành năng lượng Ukraine, cùng 324 triệu USD được điều chuyển từ những khoản chi công bố trước đó để hỗ trợ quá trình sửa chữa khẩn cấp nhằm khôi phục hạ tầng năng lượng và đáp ứng những nhu cầu khác của Kiev.
"Nỗ lực này sẽ giúp Ukraine ứng phó với những đòn tập kích của Nga nhằm vào hệ thống năng lượng, cải thiện khả năng chống chịu trước những đợt gián đoạn nguồn cung, đồng thời xây dựng nền tảng để mở rộng mạng lưới năng lượng tại nước này", bà Harris cho hay.
Hơn 379 triệu USD sẽ dành cho hỗ trợ nhân đạo, giúp đỡ người tị nạn và bảo đảm cung cấp lương thực, nước uống, nơi ở, dịch vụ vệ sinh cho hàng triệu người dân Ukraine.
Thụy Sĩ hồi tháng 1 đồng ý tổ chức hội nghị thượng định hòa bình về Ukraine theo đề nghị của Tổng thống Zelensky. Nước này từ đó tới nay đã cố gắng kêu gọi sự tham gia của các nước và tổ chức quốc tế, nhưng không mời Nga tham dự vì cho rằng Điện Kremlin tỏ dấu hiệu không có ý định tham dự sự kiện.
Trong khi đó, Nga gọi hội nghị là "sự lãng phí thời gian".
Chính phủ Thụy Sĩ cho biết đã có tổng cộng 90 quốc gia và tổ chức quốc tế đăng ký tham dự hội nghị, trong đó một nửa đến từ châu Âu. Số liệu này khác với thông tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra hôm 2/6, khi ông cho biết đã có 100 nước và tổ chức nhận lời mời tham gia sự kiện.
Do vướng lịch trình tranh cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không góp mặt tại hội nghị, dù ông Zelensky từng tuyên bố ông Biden không thể vắng mặt tại sự kiện này. Thay vào đó, Mỹ sẽ cử Phó tổng thống Harris và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan dự hội nghị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không có mặt hội nghị. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 31/5 thông báo Bắc Kinh "khó tham dự" sự kiện tại Thụy Sĩ vì nó "chưa đáp ứng yêu cầu" của nước này.
Giới quan sát nhận định việc các lãnh đạo hàng đầu thế giới vắng mặt sẽ khiến các bên khó có thể đạt được bất kỳ bước đột phá quan trọng nào tại hội nghị.
Vũ Anh (Theo Reuters)