"Mọi lựa chọn đều được xem xét trong lúc tôi đánh giá kết quả điều tra. Trách nhiệm của tôi là tiếp cận theo đúng quy trình để bảo đảm mọi thứ công bằng, không thiên vị hết mức có thể", Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Michael Gilday hôm qua cho biết khi thông báo kết thúc cuộc điều tra vụ rò rỉ "thư cầu cứu" khiến đại tá Crozier, hạm trưởng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, mất chức.
Đô đốc Gilday không cho biết kết luận điều tra, nhưng khẳng định "khả năng để Crozier trở lại chỉ huy tàu là rất rộng mở", thêm rằng ông không chịu áp lực hay tác động từ bất kỳ ai trong quá trình ra quyết định.
Đại tá Crozier đã viết "thư cầu cứu" gửi đến Bộ Hải quân Mỹ và nhiều nơi khác, kêu gọi cho sơ tán 4.000 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sau khi xuất hiện các ca nhiễm nCoV đầu tiên. Sau ba ca nhiễm được phát hiện, tàu Theodore Roosevelt phải đình chỉ nhiệm vụ, quay về cảng Guam để thủy thủ đoàn xét nghiệm.
Tuy nhiên, Crozier gặp rắc rối lớn khi bức thư được truyền thông Mỹ công bố. Ông bị quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly cách chức hạm trưởng hôm 3/4 với lý do gây hoảng loạn trên tàu và làm gia đình thành viên thủy thủ đoàn "lo lắng không cần thiết". Giới quan sát nhận định quyết định cách chức "thần tốc" có thể do Crozier phơi bày sự thực rằng lực lượng này không thể bảo vệ thủy thủ đoàn của ông và làm mất mặt giới lãnh đạo.
Modly sau đó bay tới Guam, lên tàu USS Theodore Roosevelt và chỉ trích Crozier "ngu ngốc hoặc ngây thơ" trước toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn. Làn sóng phẫn nộ về lời công kích khiến quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ xin từ chức hôm 7/4. Lầu Năm Góc chỉ định người thay thế Modly là James McPherson, cựu đô đốc hải quân từng phục vụ trên tàu sân bay Theodore Roosevelt.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến nay ghi nhận hơn 400 ca nhiễm nCov, chiếm hơn nửa tổng số người mắc Covid-19 trong toàn lực lượng hải quân Mỹ.
Vũ Anh (Theo Fox News)