Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/2 bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết do Ukraine và châu Âu đệ trình, có nội dung chỉ trích Nga châm ngòi xung đột với Ukraine và yêu cầu Moskva rút quân ngay lập tức. Dự thảo được thông qua với ít sự ủng hộ hơn so với các nghị quyết tương tự trước đó, nhận 93 phiếu thuận, 18 phiếu chống và 65 phiếu trắng.
Mỹ bỏ phiếu chống, cùng quan điểm với Nga. Động thái đánh dấu bước ngoặt trong lập trường của Washington về chiến sự Nga - Ukraine dưới thời Tổng thống Donald Trump.
"Các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi hôm nay đã tận mắt chứng kiến con đường dẫn đến hòa bình ở Ukraine sẽ không hề dễ dàng và nhiều bên cố trì hoãn hòa bình lâu nhất có thể. Nhưng chúng ta không nên bị cản trở bởi điều này", Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia phát biểu trước Đại Hội đồng.
Mỹ gần đây quyết định đàm phán với Nga để tìm giải pháp cho chiến sự Ukraine, gạt Kiev cùng các đồng minh châu Âu khỏi bàn thương lượng. Phái đoàn Mỹ và Nga ngày 18/2 gặp nhau tại thủ đô Riyadh, Arab Saudi, để khởi động đối thoại cải thiện quan hệ song phương và các bước chuẩn bị cho đàm phán chấm dứt chiến sự tại Ukraine.

Đại sứ các nước thành viên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu trong phiên họp ngày 24/2 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP
Các nghị quyết mà Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua không mang tính ràng buộc, nhưng có sức nặng chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu về cuộc xung đột. Không quốc gia thành viên nào có quyền phủ quyết tại Đại Hội đồng.
Đại Hội đồng LHQ cùng ngày cũng bỏ phiếu về một nghị quyết khác xoay quanh chiến sự Ukraine. Mỹ vốn là bên đệ trình dự thảo với nội dung ngắn gọn, không chỉ trích Nga. Tuy nhiên, Pháp cùng các đồng minh châu Âu đã yêu cầu chỉnh sửa, thêm nội dung chỉ trích Nga và nhấn mạnh toàn vẹn lãnh thổ Ukraine trước khi đưa tài liệu ra bỏ phiếu.
Nghị quyết này được thông qua với 93 phiếu thuận, 73 phiếu trắng và 8 phiếu phản đối. Do phải chỉnh sửa nghị quyết theo ý châu Âu, Mỹ đã bỏ phiếu trắng.
Washington sau đó đưa dự thảo nghị quyết gốc của nước này ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cơ quan gồm 15 thành viên, trong đó Mỹ là một trong 5 thành viên có quyền phủ quyết. Dự thảo được thông qua với 10 phiếu thuận, Pháp, Anh, Đan Mạch, Hy Lạp và Slovenia bỏ phiếu trắng.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết dự thảo nhấn mạnh "niềm thương tiếc những sinh mạng mất đi trong xung đột Nga - Ukraine", tái khẳng định mục đích của Liên Hợp Quốc là duy trì hòa bình và an ninh, kêu gọi "nhanh chóng chấm dứt xung đột" và không đề cập đến tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
"Nghị quyết này đưa chúng ta đến con đường hòa bình. Đây là bước đầu tiên, nhưng quan trọng, và chúng ta đều nên tự hào", quyền Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Dorothy Shea phát biểu trước Hội đồng Bảo an. "Chúng ta phải dùng nó để xây dựng tương lai hòa bình cho Ukraine, Nga và cộng đồng quốc tế".
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)