Đảng Cộng hòa ngày 16/11 được truyền thông Mỹ dự báo giành tối thiểu 218 ghế tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay, đồng nghĩa giành lại quyền kiểm soát từ đảng Dân chủ sau 4 năm. Chiến thắng này còn giúp đảng Cộng hòa có vị trí chủ tịch Hạ viện cùng quyền lãnh đạo nhiều ủy ban quan trọng.
Chủ tịch Hạ viện là vị trí quyền lực số ba trong chính phủ Mỹ, chỉ sau tổng thống và phó tổng thống. Chủ tịch Hạ viện sẽ dẫn dắt, thiết lập chương trình nghị sự của cơ quan này.
Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm là Nancy Pelosi, đảng Dân chủ. Bà đảm nhiệm vị trí này lần đầu vào năm 2007 và tiếp tục được lựa chọn vào năm 2019. Bà cũng là nữ chủ tịch Hạ viện đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Bà Pelosi sẽ từ chức khi quốc hội khóa mới bắt đầu nhiệm kỳ vào đầu năm sau, thời điểm Hạ viện cũng bầu ra chủ tịch mới thay thế bà.
Toàn bộ nghị sĩ tại Hạ viện sẽ bỏ phiếu bầu chủ tịch sau khi quốc hội bắt đầu nhiệm kỳ mới, hiện chưa ấn định thời gian. Ứng viên cần giành được ít nhất 218 phiếu ủng hộ trong số 435 ghế Hạ viện. Con số này có thể thấp hơn nếu có nghị sĩ không tham gia bỏ phiếu.
Năm 2021, bà Pelosi trở thành chủ tịch Hạ viện chỉ với 216 phiếu, đánh bại đối thủ Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa, chỉ nhận được 209 phiếu, với 3 nghị sĩ không tham gia bỏ phiếu. Khi đó, đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện với tỷ lệ ghế 222 - 211, hai ghế còn lại trống.
Ứng viên chủ tịch Hạ viện phải được nghị sĩ đề cử, nhưng không nhất thiết phải là thành viên cơ quan này. Một số ứng viên ngoài Hạ viện từng được đề cử có cựu ngoại trưởng Colin Powell hay thượng nghị sĩ Rand Paul.
Kevin McCarthy, 57 tuổi, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện từ năm 2019, đang là ứng viên nổi bật nhất cho ghế chủ tịch Hạ viện thay thế bà Pelosi. Ông từng tranh cử vào vị trí này năm 2015, nhưng bị nhóm Freedom Caucus có xu hướng cực hữu trong đảng phản đối nên đã quyết định rút lui.
Năm nay, ông đã vượt qua trở ngại đầu tiên, được chọn làm lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu kín ngày 15/11, đánh bại đối thủ Andy Biggs, thành viên nhóm Freedom Caucus.
Với thế đa số của đảng Cộng hòa được dự báo không quá áp đảo, McCarthy chỉ được phép có vài phiếu phản đối từ nội bộ đảng. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu kín ngày 15/11, 31 nghị sĩ Cộng hòa đã chọn Biggs. Con số này có thể tạo ra "thảm họa" với ông McCarthy trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 1.
"Tôi vẫn giữ nguyên lập trường cho đến khi có thông báo tiếp theo, không ai có được 218 phiếu", Chip Roy, hạ nghị sĩ bang Texas và là thành viên Freedom Caucus, nói với Texas Tribune hôm 15/11. "Chúng ta cần ngồi lại và vạch ra các thay đổi cơ bản cần thiết".
Một trong số những thay đổi mà nhóm Freedom Caucus muốn có là khôi phục quy định giúp việc bỏ phiếu phế truất chủ tịch Hạ viện diễn ra dễ dàng hơn. Ông McCarthy khả năng cao không chấp nhận điều này nhưng có thể ủng hộ những đề xuất nhỏ hơn.
Chọn chủ tịch Hạ viện là công việc mang tính chất nội bộ của đảng chiếm đa số nên ông McCarthy cũng khó kỳ vọng nhận được nhiều sự ủng hộ từ đảng Dân chủ. Ông nhiều khả năng sẽ phải chấp nhận các nhượng bộ nhất định với một số bên để trở thành chủ tịch Hạ viện.
Trong trường hợp ứng viên không có đủ số phiếu cần thiết, Hạ viện Mỹ sẽ rơi vào trạng thái "tê liệt" về mặt thể chế cho đến khi tìm được người phù hợp hơn.
Lần gần nhất Hạ viện phải trải qua nhiều lần bỏ phiếu để bầu chủ tịch là năm 1923, với 9 vòng trước khi chọn Frederick H. Gillett của đảng Cộng hòa. Năm 1855, Hạ viện bị tê liệt khoảng hai tháng, tổ chức 133 vòng bỏ phiếu trước khi nhất trí chọn Nathaniel Banks với số phiếu nhiều nhất, thay vì quá bán.
Với thế đa số không đáng kể ở Hạ viện, đảng Cộng hòa có thể gặp khó khăn khi thúc đẩy thông qua các dự luật lớn. Ngay cả khi họ thông qua, dự luật đó cũng có thể bị bác tại Thượng viện, nơi đảng Dân chủ vẫn duy trì thế kiểm soát. Do đó, phe Cộng hòa tại Hạ viện khả năng cao sẽ tập trung vào các cuộc điều tra và giám sát hành pháp.
Ngay từ trước khi các điểm bỏ phiếu bầu cử giữa kỳ đóng cửa hôm 8/11, đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã vạch kế hoạch mở hàng loạt cuộc điều tra với chính quyền ông Biden cùng gia đình Tổng thống. Họ muốn điều tra quyết định rút lính Mỹ khỏi Afghanistan, cách Washington giám sát biên giới Mỹ - Mexico hay các thương vụ làm ăn ở nước ngoài của Hunter Biden, con trai ông Biden.
Một số thành viên cực hữu còn dọa dùng thế đa số của đảng Cộng hòa tại Hạ viện để chặn nhiều dự luật phải thông qua, như nâng trần nợ công, hay dừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Họ muốn nhận được sự nhượng bộ về các khoản chi tiêu trước khi quyết định ủng hộ.
Trước khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Biden nổi tiếng là người có thể dễ dàng đàm phán và đạt thỏa hiệp với các đồng nghiệp Cộng hòa. Tuy nhiên, ông Biden gần đây gia tăng chỉ trích các nghị sĩ Cộng hòa, cho rằng họ phụ thuộc vào cựu tổng thống Donald Trump và ngày càng thù địch với các nguyên tắc dân chủ.
"Ông Trump và những thành viên Cộng hòa MAGA đại diện cho chủ nghĩa cực đoan đang đe dọa các nền tảng của nền cộng hòa", ông Biden nói hồi tháng 9, nhắc đến chính sách "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của người tiền nhiệm. Ông McCarthy đáp trả, cáo buộc Tổng thống "chọn chia rẽ, miệt thị đồng nghiệp chỉ vì họ bất đồng với các chính sách của ông".
Sau khi đảng Cộng hòa được dự báo thắng Hạ viện, Tổng thống Biden đã gửi lời chúc mừng và tuyên bố sẵn sàng hợp tác với họ để hành động vì người dân Mỹ.
"Người dân Mỹ muốn chúng ta giải quyết các vấn đề cho họ", ông Biden cho biết. "Tôi sẽ làm việc với bất cứ ai, dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ, những người sẵn lòng làm việc với tôi để mang lại kết quả cho họ".
Như Tâm (Theo Reuters, Guardian)