"Mỹ và các đồng minh, đối tác của chúng tôi tiếp tục gia tăng áp lực kinh tế đối với ông Putin và tiếp tục cô lập Nga trên trường toàn cầu", Tổng thống Biden hôm nay tuyên bố. "Đây tiếp tục là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nga vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của chúng tôi".
Ông Biden cũng thông báo Mỹ cấm nhập khẩu rượu vodka, kim cương và hải sản từ Nga, đồng thời cấm xuất khẩu hàng xa xỉ Mỹ sang nước này và Belarus.
Đối xử tối huệ quốc (MFN) là nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó một nước thành viên phải dành sự đối xử như nhau cho mọi thành viên WTO khác, không phân biệt nước phát triển, đang phát triển hay kém phát triển. Việc bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga mở đường cho Mỹ và các đồng minh áp đặt thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa của Nga.
Ông Biden nhấn mạnh động thái được Mỹ đưa ra cùng với các đồng minh NATO, G7 và EU. Mỗi nước dự kiến thực hiện biện pháp bãi bỏ dựa trên các quy trình quốc gia của riêng mình.
Tại Mỹ, quy chế tối huệ quốc có tên gọi chính thức là Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR). Việc xóa bỏ quy chế này với Nga đòi hỏi được quốc hội thông qua, nhưng các nhà lập pháp ở cả lưỡng viện đều đã thể hiện rằng họ sẽ ủng hộ.
Các lệnh trừng phạt sâu rộng, chưa từng có đối với các ngân hàng và giới tinh hoa Nga, cùng lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với hàng loạt công nghệ, đang gây áp lực cho nền kinh tế nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán Nga sẽ rơi vào "suy thoái sâu" trong năm nay.
Năm 2019, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương khoảng 28 tỷ USD. Mỹ chủ yếu nhập khẩu từ Nga nhiên liệu khoáng sản, kim loại quý, đá, sắt thép, phân bón và hóa chất vô cơ.
Hôm 8/3, Mỹ đã ra lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Anh và EU ngày 8/3 cũng nêu các kế hoạch để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Anh nói rằng họ sẽ "giảm dần nhập khẩu dầu và chế phẩm từ dầu mỏ của Nga trước cuối năm nay" còn EU công bố mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay và hướng đến "độc lập hoàn toàn với nguồn khí đốt, dầu và than của Nga trước năm 2030".
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine hôm nay bước sang ngày thứ 16. Lực lượng Nga đang dần bao vây thủ đô của Ukraine và kiểm soát các tuyến đường phía đông bắc Kiev sau khi mở chiến dịch không kích thành phố Chernihiv, cách thủ đô của Ukraine khoảng 125 km, tuần trước. Các đơn vị Nga đã tiếp cận Kiev từ ba hướng, chỉ còn để ngỏ những tuyến đường phía nam cho hoạt động tiếp tế và sơ tán.
Tuy nhiên, tình báo Anh nhận định Nga có thể phải rút bớt lực lượng từ các hướng khác để tăng cường bao vây Kiev, khiến đà tiến tổng thể của lực lượng này chậm lại.
Hôm 10/3, Nga thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Một số sản phẩm trong ngành lâm nghiệp và đồ gỗ cũng bị cấm xuất khẩu đến "các quốc gia không thân thiện". Nga là nước sở hữu 1/5 diện tích rừng của thế giới. Bộ Tài chính Nga gọi đây là "phản ứng phù hợp với các lệnh trừng phạt" nhằm vào Moskva.
Cùng ngày, Tổng thống Putin trấn an người dân Nga khi tuyên bố "chắc chắn sẽ giải quyết được tất cả vấn đề", đồng thời nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva đã bắt đầu gây tổn hại cho Mỹ và châu Âu khi giá nhiên liệu tăng cao.
Huyền Lê (Theo Reuters)