Chính phủ Anh hôm nay tuyên bố sẽ giảm dần nhập khẩu dầu và chế phẩm từ dầu mỏ của Nga trước cuối năm nay, khẳng định biện pháp này sẽ giúp thị trường và các doanh nghiệp có đủ thời gian tìm phương án thay thế. Dầu từ Nga hiện phục vụ khoảng 8% nhu cầu tại Anh.
"Chính phủ cũng sẽ phối hợp với các công ty thông qua Tổ công tác về Dầu mỏ nhằm hỗ trợ họ tìm nguồn cung mới", Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng cho hay.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành Liên minh châu Âu, cũng công bố mục tiêu giảm phụ thuộc khí đốt Nga với các biện pháp như tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới, đẩy mạnh dự trữ cho mùa đông năm sau và tăng cường nỗ lực cải thiện hiệu quả tiêu thụ năng lượng.
"Đến cuối năm nay, chúng tôi có thể thay thế 100 tỷ m3 khí đốt nhập khẩu từ Nga, tương đương 2/3 mức hiện nay. Điều này sẽ chấm dứt sự phụ thuộc quá mức và mang đến nhiều lựa chọn hơn", phó chủ tịch EU Frans Timmermans nói.
Đề xuất kêu gọi lấp đầy 90% công suất dự trữ khí đốt trước ngày 30/9 năm nay, so với mức 30% hiện tại. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến độc lập hoàn toàn với nguồn khí đốt, dầu và than của Nga trước năm 2030.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, bước đi được coi là quá mạo hiểm với châu Âu. Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
Sự phụ thuộc khiến nhiều nước EU không đáp lại những lời kêu gọi từ Mỹ và Ukraine là cấm vận ngành năng lượng của Nga. "Thực tế là nhiều quốc gia thành viên sẽ lâm vào khó khăn thực sự nếu cắt nguồn cung năng lượng từ Nga trong nháy mắt. Cần phải bảo đảm chúng ta không tự hại mình nhiều hơn trừng phạt Moskva", Timmermans nói với các thành viên Nghị viện châu Âu.
Đề xuất được EC đưa ra trước cuộc họp của các lãnh đạo EU nhằm bàn phương án cắt quan hệ năng lượng giữa châu Âu và Nga trong dài hạn. "27 lãnh đạo sẽ thống nhất giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt, dầu và than của Nga", dự thảo tuyên bố chung của sự kiện có đoạn.
Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2, với mục tiêu "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine. Mỹ và châu Âu đã áp nhiều biện pháp cấm vận với Nga như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT và đóng cửa không phận với máy bay Nga. Điện Kremlin hôm 5/3 chỉ trích phương Tây hành xử như "kẻ cướp" khi cắt các mối quan hệ kinh tế và khẳng định sẽ có "các biện pháp phản ứng thích hợp". Nga nhiều lần nhấn mạnh nền kinh tế sẽ thích ứng với tình hình mới và lệnh trừng phạt không khiến họ thay đổi lập trường về Ukraine.
Giá dầu hôm 7/3 tăng vọt lên mức 139 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Giá dầu vào ngày 8/3 là 122 USD/thùng. Tuần trước, dầu thô thế giới ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất trong hai năm do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine làm dấy lên nỗi lo thiếu nguồn cung toàn cầu.
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 7/3 dọa cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, cảnh báo giá dầu có thể lên 300 USD/thùng nếu châu Âu cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. EU tuần trước phải trả khoảng 722 triệu USD tiền khí đốt mỗi ngày cho Moskva, cao gấp ba lần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự theo viện nghiên cứu Bruegel ở Bỉ.
Vũ Anh (Theo AFP)