Hồi giữa tuần, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp gia đình hơn 130 con tin đang bị Hamas giữ tại Dải Gaza. Trong cuộc gặp tại văn phòng Thủ tướng ở Jerusalem, thân nhân các con tin yêu cầu ông Netanyahu coi việc giải cứu những người thân yêu của họ là mục tiêu hàng đầu trong cuộc chiến ở Gaza, nhưng ông từ chối.
Kể từ ngày 7/10/2023, Thủ tướng Netanyahu vẫn tuyên bố Israel chỉ dừng chiến dịch ở Gaza khi đạt được hai mục tiêu chính, hủy diệt năng lực quân sự và điều hành của Hamas, cũng như đưa tất cả con tin về nhà. Nhưng gần 4 tháng trôi qua, Israel vẫn chưa nhìn thấy bất cứ triển vọng nào để đạt được cả hai mục tiêu đồng thời.
Gadi Eisenkot, thành viên nội các chiến tranh của Thủ tướng Netanyahu, cùng nhiều người Israel bắt đầu tự hỏi liệu những mục tiêu này có phải bất khả thi hay không.
Michael Milshtein, cựu quan chức tình báo Israel và hiện là chuyên gia về các vấn đề Palestine, nói rằng Tel Aviv đang đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan.
"Chúng tôi đang đứng trước hai ngã rẽ. Một là phải đạt thỏa thuận đầy đủ với Hamas để giải cứu các con tin và rút quân. Hai là phải lật đổ Hamas và quản lý toàn bộ Dải Gaza. Bạn buộc phải lựa chọn", ông nói.
Các lãnh đạo cấp cao, gồm cả Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và các tướng lĩnh quân đội đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục chiến dịch, ngay cả khi Israel đã giảm cường độ tấn công ở Gaza. Họ cho rằng chỉ có sức mạnh quân sự mới có thể giúp giải cứu con tin và khiến Hamas không còn có thể kiểm soát Gaza.
Như Thủ tướng Netanyahu nhiều lần nói, Israel vẫn tiếp tục nỗ lực cho "chiến thắng hoàn toàn".
"Chúng ta từng đạt các thỏa thuận dài hạn với Hamas chỉ vì một lý do duy nhất, đó là họ hiểu có thể phải trả giá đắt về mặt quân sự. Đó là tác động của việc gây sức ép. Chúng tôi cần sử dụng sức mạnh quân sự. Sẽ không hiệu quả nếu chỉ dựa vào các cuộc đối thoại với họ", một quan chức quân sự cấp cao của Israel nói.
Song những người chỉ trích chiến lược của ông Netanyahu nói rằng các con tin không thể chờ đợi thêm nhiều tuần, chứ chưa nói tới nhiều năm, trong điều kiện khắc nghiệt ở những nơi giam giữ tại Gaza. Nhiều người cũng hoài nghi liệu Israel có thể lật đổ Hamas ở Gaza bằng chiến lược hiện tại hay không.
Cho tới nay, dù đã tung ra lực lượng bộ binh đông đảo cùng nhiều công nghệ quân sự hiện đại, Israel vẫn chưa thể phát hiện dấu vết của ba lãnh đạo cấp cao Hamas gồm Yahya Sinwar, Mohammed Deif và Marwan Issa.
"Ngay từ đầu cuộc chiến, hai mục tiêu mà Israel đề ra đã có sự xung đột, dù không hoàn toàn đối chọi nhau", Danny Orbach, giáo sư kiêm nhà sử học quân sự tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, Israel, nói. "Giải cứu con tin phải là mục tiêu thứ yếu. Israel cần nghĩ về những người có thể bị bắt cóc và sát hại trong tương lai. Cuộc chiến này nhằm loại bỏ mối đe dọa hiện hữu chống lại Israel và đây phải là mục tiêu quan trọng hơn".
Hamas đã tăng cường chiến tranh tâm lý với Israel, khi tung ra những video về tình cảnh tồi tệ của con tin bị giam giữ và khiến công chúng Israel bất bình. Lãnh đạo Israel nhấn mạnh rằng cả hai mục tiêu đều được ưu tiên như nhau.
Cuộc tấn công của Hamas hồi đầu tháng 10/2023 đã khiến hơn 1.100 người Israel thiệt mạng, hầu hết là dân thường, cùng hàng nghìn người bị thương.
Để đáp trả cuộc tấn công của Hamas, khoảng 300.000 binh sĩ dự bị được huy động để tăng cường cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Nhiều người trong số họ đã được trở về nhà trong những ngày gần đây, khi IDF giảm quy mô chiến dịch ở Gaza.
Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên IDF, cho biết hiện có ba sư đoàn hoạt động ở ba khu vực riêng biệt tại Gaza. Sư đoàn lớn nhất ở thành phố Khan Younis ở miền nam, nơi được cho là có một số lãnh đạo Hamas ẩn náu cùng các con tin.
"Để xóa sổ Hamas, IDF phải không kích vào hệ thống đường hầm ở Gaza. Nhưng khi làm điều đó, họ có nguy cơ giết chết con tin hoặc kích động Hamas hạ sát con tin, khiến mục tiêu thứ hai thất bại", tiến sĩ Marina Miron thuộc Khoa Nghiên cứu Chiến tranh Đại học King's Colleage ở London, nói.
Ông Hagari nhấn mạnh giải cứu con tin phải là mục tiêu hàng đầu của chiến dịch quân sự. Dù quân đội Israel có thể tiến hành chiến dịch chống Hamas với hỏa lực mạnh hơn nhiều, họ đã không sử dụng toàn bộ sức mạnh đó.
"Đây là hoạt động tốn nhiều thời gian vì chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho lực lượng của mình cũng như tính mạng các con tin có thể vẫn ở trong khu vực đó", ông nói, đề cập tới chiến dịch ở Khan Younis.
Tại các khu vực phía bắc Gaza, các tay súng Hamas đã xuất hiện trở lại sau khi lực lượng Israel rút lui. Điều này khiến nhiều người cảm thấy lo ngại.
"Bạn đã rời Gaza City, vậy làm thế nào bạn có thể thiết lập tương lai hậu xung đột nếu Hamas trở lại? Mỗi nơi bạn rời đi, tình hình có thể dễ dàng trở lại như trước khi không có hiện diện của lực lượng Israel. Vậy chiến thắng thực sự có ý nghĩa gì?", Milshtein đặt câu hỏi.
Một lý do cho quyết định rút quân của Israel là nguy cơ xung đột với nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon và cuộc chiến chống Hamas chuyển sang giai đoạn thứ ba là "cường độ thấp".
Hậu quả của chiến dịch rất tàn khốc. Cuộc chiến chống Hamas của Israel đã khiến hơn 26.000 người thiệt mạng ở Gaza và 85% dân số ở đây phải di tản. Nhiều khu vực ở Gaza biến thành đống đổ nát và các nhóm cứu trợ đã cảnh báo về thảm họa nhân đạo ngày càng nghiêm trọng.
IDF ước tính Hamas đã mất khoảng 10.000 tay súng trong tổng số 30.000 người, với 17 trong 24 tiểu đoàn tan rã, đồng nghĩa Hamas không còn thể duy trì hoạt động như trước. Tuy nhiên, Milshtein cho rằng điều đó không đồng nghĩa Hamas đã bị đánh bại hoàn toàn.
Thay vì tập trung thành các đơn vị lớn để giao tranh với lực lượng Israel, Hamas đã phân tán thành các nhóm nhỏ, triển khai hỏa lực bắn tỉa, cài mìn, sử dụng súng chống tăng để gây thiệt hại tối đa cho đối thủ. Kể từ khi xung đột bắt đầu, khoảng 220 lính Israel đã thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.
Hệ thống đường hầm ước tính dài hơn 500 km của Hamas cũng thách thức nỗ lực của Israel. IDF đã tìm thấy khoảng 1.600 đường hầm và phá hủy hàng trăm đoạn, song thừa nhận họ không thể loại bỏ tất cả mạng lưới rộng lớn này, mà chỉ cố gắng giảm quy mô và đánh vào những khu vực trọng điểm.
Israel đang nhắm mục tiêu vào hạ tầng quan trọng như trung tâm chỉ huy và kiểm soát dưới lòng đất, các lối đi chính và cơ sở sản xuất vũ khí, theo Yaakov Amidror, tướng Israel về hưu và từng là cố vấn an ninh quốc gia.
"Tôi không chắc Israel có đủ thuốc nổ để phá sập toàn bộ hệ thống đường hầm đó hay không", ông nói.
Tiến sĩ Marina Miron cảnh báo ngay cả khi lớp đường hầm phía trên bị phá hủy, Hamas có thể vẫn còn một lớp sâu hơn trong mạng lưới địa đạo để tiếp tục hoạt động.
Trong gần 4 tháng qua, chiến sự cướp đi mạng sống của khoảng 250 người Palestine mỗi ngày ở Gaza, trong đó một nửa là trẻ em, theo tổ chức Oxfam. Liên Hợp Quốc tuyên bố khoảng 2 triệu người Gaza phải rời bỏ nhà cửa và nạn đói có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nam Phi cáo buộc Israel phạm tội ác diệt chủng tại Tòa án Công lý Quốc tế, nói rằng các lãnh đạo quốc gia Do Thái cố tình nhắm vào thường dân Palestine và các tổ chức dân sự, điều mà Tel Aviv bác bỏ.
"Trong gần 4 tháng trút xuống Gaza vô số bom đạn, những gì Israel đạt được chủ yếu là khiến dải đất này trở thành nơi không thể sinh sống", Nur Arafeh, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut, Lebanon, nói.
Thanh Tâm (Theo FT, The Media Line, CBC)