Trên đỉnh núi Yên Tử, có một loài cây đặc hữu chỉ được chú ý đến trong vài năm gần đây. Ít người để ý rằng nó đại diện cho số phận của cả vùng đất này. Đó là những cây xích tùng (hoàng đàn giả) – một loài thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam. Chúng đã ở trên đỉnh núi này từ thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tu hành, nhưng chỉ thực sự nổi tiếng khoảng hơn 10 năm qua, cùng với sự phát triển của du lịch Quảng Ninh. Và đúng lúc xích tùng trở nên nổi tiếng, người ta phát hiện ra nó đang chết dần.
Quanh am Ngự Dược và nhiều địa điểm tu hành khác trên Yên Tử, người ta tìm thấy những cây xích tùng cổ thụ.
Am Ngự Dược được triều đình nhà Trần xây dựng tháng 6 năm 1299, một tháng trước khi vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử xuất gia. Đó là nơi mà các thiền sư Trúc Lâm bào chế thuốc, tự chữa bệnh và phát cho dân nghèo. Sau bảy trăm năm, giờ am Dược chỉ còn là một phế tích. Những nhân chứng thời gian duy nhất còn lại từ ngày ấy, chỉ còn những cây xích tùng.
Cây có tuổi thọ bảy thế kỷ, và mọc theo hàng lối. Cộng thêm địa điểm trồng, nhiều người cho rằng chúng không phải cây mọc tự nhiên, mà là cây trồng cùng thời điểm Phật Hoàng Trần Nhân Tông lên núi xuất gia, là một phần “hạ tầng” để biến Yên Tử thành trung tâm Phật giáo của cả nước.
Nhưng sau bảy thế kỷ, số phận những cây xích tùng còn lại cũng đang bị đe dọa. Đến những năm 2010, báo chí bắt đầu “kêu cứu” vì thực trạng của hơn hai trăm cây tùng cổ thụ trên Yên Tử.
Bệnh tật, mối mọt, di sản vật chất gần như cuối cùng của Yên Tử còn từ thời Phật Hoàng, đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Mặc dù là trung tâm Phật giáo của cả nước trong suốt bảy thế kỷ, Yên Tử, cũng như nhiều vùng du lịch khác của Việt Nam đến những năm gần đây vẫn chưa nhận được đủ sự quan tâm. Việc quản lý vùng du lịch và di tích thường là chuyện của chính quyền địa phương. Năm 2008, Tổng công ty Đông Bắc còn được cấp phép khai thác than trong vùng rừng đặc dụng Yên Tử, mãi đến năm 2009 chính quyền mới phát hiện ra “nhầm” và rút giấy phép.
Số phận những cây xích tùng chỉ được bắt đầu quan tâm đặc biệt trong thập kỷ qua, khi “Yên Tử” trở thành trọng tâm trong chiến lược du lịch của tỉnh Quảng Ninh.
Năm 2010, theo công cụ đo lường Google Trends, số lần tìm kiếm từ khóa “Yên Tử” còn kèm từ khóa “Bái Đính” tới 35%, dù năm đó chùa Bái Đính ở Ninh Bình mới khánh thành.
Nhưng trong thập kỷ qua, số lượng người quan tâm đến Yên Tử tăng theo cấp số nhân. Tới Tết âm lịch năm 2014, một năm sau khi khánh thành tượng Phật Hoàng, số lượt tìm kiếm “Yên Tử” trên Google đã hơn gấp đôi Bái Đính và vượt qua cả “chùa Hương” – đệ nhất tâm linh danh thắng phía Bắc. Năm 2019, số lượt quan tâm đến Yên Tử đã tăng 9 lần so với năm 2010.
Sự phát triển du lịch thường được diễn đạt thành áp lực lên các di tích. Nhưng trong trường hợp của những cây xích tùng, việc “Yên Tử” trở thành tâm điểm chú ý lại mang đến kết quả khác. Sau hàng loạt quyết định đầu tư vào Yên Tử, năm 2017, Thủ tướng phê duyệt ngân sách 26 tỷ đồng để chăm sóc 237 cây xích tùng cổ.
Trong tất cả các quyết định quan trọng của chính phủ liên quan đến Yên Tử những năm qua: thành lập rừng quốc gia và đầu tư rừng quốc gia (2011); mở rộng khu di tích danh thắng (2013), thì “du lịch” đều được nhấn mạnh như một mục tiêu cốt lõi, nhằm “nâng cao đời sống người dân” và biến Uông Bí thành “trung tâm kinh tế”.
Những cây xích tùng đã ở trên đỉnh Yên Tử bảy trăm năm, nhưng chưa bao giờ chúng được quan tâm nhiều như thế. Đất mỏ trong nhiều năm phải bận tâm đến những vấn đề khác: họ bước vào thế kỷ 21 với tỷ lệ người nghiện và nhiễm HIV cao nhất cả nước, mà theo lý giải của cơ quan chức năng thời đó, là vì “nằm ở biên giới, có cảng biển và du lịch phát triển”. Đó là những điều mà hôm nay là lợi thế phát triển, nhưng 19 năm trước được coi là bất lợi.
Du lịch đã trở thành từ khóa quan trọng nhất trong đời sống của Quảng Ninh thập kỷ qua. Trong vài thập niên trước đó, từ khóa quan trọng nhất là “than”. Ngay cả Yên Tử giai đoạn trước 2010 cũng chỉ mang tư cách một ngọn núi trong vùng than Uông Bí, đầy các dự án khai thác than, từ chính thống đến thổ phỉ.
Quảng Ninh đã có một thế hệ con người khác. Trong cuộc thi sáng tạo thiếu niên tỉnh Quảng Ninh năm 2019, trong 4 giải cao nhất có đến 2 sáng kiến của các bạn học sinh phổ thông về “du lịch”.
Hai nữ sinh THPT ở Uông Bí làm một serie phim về Yên Tử mang tên “Yên Tử - Huyền thoại miền non thiêng”. Ba “tập phim” ngắn được làm đơn giản, nói về sự hình thành và các điển tích của Yên Tử từ thời Phật Hoàng, chỉ độ hơn 10 bối cảnh mỗi tập 3 phút. Các em chỉ vừa học vẽ trên máy tính một thời gian ngắn trước đó.
Chính quyền Quảng Ninh đã quyết định tôn vinh tác phẩm này. Công ty vận hành cáp treo Yên Tử mua bản quyền phim để phát sóng tại các nhà ga của họ.
Quảng Ninh có tới 500 di tích lịch sử được xếp hạng; có vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới và được gọi là một Việt Nam thu nhỏ, với đầy đủ địa hình biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi và biên giới.
Bài thơ của Lê Thánh Tông khắc trên núi Bài Thơ từ năm 1468 đã khen ngợi cảnh sắc nơi này: “Nước lớn mênh mông, trăm sông chầu vào/Núi non, la liệt rải rác như quân cờ, vách đá liền trời”.
Nhưng cơ cấu kinh tế của tỉnh này trong các thập kỷ trước luôn phụ thuộc vào công nghiệp, chiếm trên 50%. Quảng Ninh đã và luôn là một huyền thoại của ngành khai khoáng Việt Nam – hình ảnh gắn chặt với vùng đất này trong văn học nghệ thuật.
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tổng vốn đầu tư vào du lịch ở Quảng Ninh xấp xỉ 20.000 tỷ đồng. Để so sánh, từ 2001 đến 2010, Đà Nẵng nhận 54.000 tỷ vốn đầu tư vào du lịch.
Đột phá chỉ đến trong thập kỷ qua. Chỉ trong vòng 5 năm từ năm 2013 tới 2018, Quảng Ninh thu hút 100 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 110.000 tỷ.
Tốc độ thu hút vốn đầu tư được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới, khi hạ tầng giao thông tỉnh này vừa đón nhận thêm những cú hích quan trọng, như đường cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh và sân bay Vân Đồn.
Khung cảnh của đất mỏ đã được thay thế bằng những dự án du lịch nghìn tỷ, trải dài từ Vân Đồn, qua Hạ Long đến Uông Bí. Một vòng quay Mặt trời và cáp treo Nữ hoàng, với 2 kỷ lục Guinness, khánh thành ở Hạ Long năm 2016, gợi nhớ đến bức tranh của Đà Nẵng - giờ đã là một điểm đến tầm cỡ châu lục. Quảng Ninh đang trên đường trở thành một tỉnh phát triển vào bậc nhất của ngành du lịch Việt Nam.
Thu nhập tăng là một điều hiển nhiên. Nhưng không chỉ có tiền. Cũng giống như câu chuyện của những cây xích tùng, những kỳ vọng mới ở đất mỏ tạo ra nhiều tác động xã hội tích cực khác.
Quảng Ninh đã 2 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Điều đó, theo bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký, đến từ kỳ vọng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
“Chúng tôi coi đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên vì những điều này sẽ không có điểm kết thúc; cũng như chúng tôi không bao giờ cho phép mình dừng lại” - ông phát biểu tại Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Ninh tháng 10/2019.
Cùng với dòng vốn tỷ đô, Quảng Ninh đứng trước nhiều đòi hỏi phải thay đổi. Những khách tham quan Vịnh Hạ Long những năm 90 và đầu 2000 vẫn nhớ cảm giác nhìn xuống từ mạn thuyền, và cố phân biệt những con sứa nổi trên mặt nước với túi nylon. Vấn đề môi trường biển ở Hạ Long và cả Quảng Ninh giờ đang được nhìn nhận cấp bách.
Từ tháng 9/2019, tàu du lịch và tất cả các cơ sở kinh doanh trên đảo tại vịnh Hạ Long sẽ bắt đầu thay thế toàn bộ các sản phẩm nhựa dùng một lần, đưa đồ uống cho khách bằng cốc giấy. Chính quyền vẫn đang vớt lên từ vịnh hàng tấn rác mỗi ngày, nhưng du khách đến Hạ Long thời gian này rất dễ gặp những cuộc “ra quân” đông đảo dọc các bờ biển, nhằm nâng cao ý thức về rác thải, do chính những nhà đầu tư như SunGroup và các tổ chức xã hội thực hiện.
Quảng Ninh đang đưa ra rất nhiều lời hứa cho các nhà đầu tư và từng du khách. Wifi miễn phí bên bờ vịnh. Trực thăng cứu hộ trên biển. Trí tuệ nhân tạo trong quản lý và cung cấp dịch vụ du lịch. “Quảng Ninh sẽ đưa 5G sớm hơn các nơi khác” – bí thư Nguyễn Xuân Ký tuyên bố.
Tỉnh này cũng là một trong những địa phương đầu tiên tuyên bố sẽ có chiến lược làm “kinh tế đêm” - đào sâu thêm vào tài nguyên thời gian để thúc đẩy tăng trưởng - bằng các sản phẩm du lịch về đêm.
Tháng 11/2019, phác đồ điều trị cho 237 cây xích tùng cổ đã được lên xong và sẽ đi vào triển khai. Nhưng bên cạnh việc cứu những cây già 700 tuổi, dự án của Quảng Ninh còn có một hạng mục xây dựng vườn ươm để nhân giống xích tùng. Những hạt xích tùng được nhặt dưới tán rừng Yên Tử, sau nhiều năm mày mò của chuyên gia, đã nảy mầm thành những cây non. Chúng dự kiến sẽ được trồng lại lên rừng Yên Tử, bổ sung vào khung cảnh nơi này.
Xích tùng, sau bảy trăm năm, đóng vai một ẩn dụ của du lịch Quảng Ninh thế kỷ 21,đại diện cho những giá trị lịch sử không thể so sánh của vùng đất này, đại diện cho sức ép thay đổi của thời đại, đại diện cho quyết tâm bảo tồn, và giờ đại diện cho cả quyết tâm đầu tư vào tương lai của những người Quảng Ninh.