Matt Morgan là một trong những bác sĩ trên tuyến đầu đang chiến đấu với Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Wales ở thành phố Cardiff, Anh. Morgan đã viết nhật ký ghi lại một ngày trực với đủ cung bậc cảm xúc của mình để giúp đỡ các bệnh nhân nhiễm nCoV:
7h15
Tôi lái xe hơn 14 km tới nơi làm việc tại bệnh viện. Hôm nay là một buổi sáng không như thường lệ. Tôi chất vào xe túi ngủ, thảm cuộn, đồ ăn, kem đánh răng và quần áo, bởi không chắc khi nào có thể trở về nhà nữa. Covid-19 bùng phát đã thay đổi mọi thứ.
Vợ tôi, Alison, rất buồn. Tối qua, tôi gửi cho cô ấy một email với tiêu đề là "những thứ em cần biết nếu anh chết". Tôi viết lại tất cả mật khẩu và nơi cất giấy tờ quan trọng, nhưng cũng không quên viết thêm những dòng nhắn nhủ tới cô ấy.
"Anh đã sống một cuộc đời vô cùng tuyệt vời, được du lịch, tiệc tùng, có hai đứa trẻ đáng yêu, có thời gian ở bên gia đình, bạn bè và làm tất cả mọi thứ trước đây chưa từng mơ tới. Anh yêu công việc này dù nó khó khăn và nguy hiểm. Cứu sống người khác chính là điều tuyệt vời có ý nghĩa nhất trên thế giới này", tôi viết trong mail.
Tôi không sợ hãi mà chỉ cảm thấy bất định. Covid-19 vẫn còn quá nhiều điều bí ẩn. Chán ngấy vì quá nhiều tin tức liên quan đến dịch bệnh, tôi chuyển kênh tin tức trên radio sang nghe Mellow Magic FM để thư giãn.
8h30
Ca trực 13 tiếng bắt đầu. Thử thách đầu tiên chính là nơi tôi phải đến. Trong tuần qua, đã có nhiều thay đổi về vị trí giường trong khoa hồi sức cấp cứu (ICU) và bệnh viện đã phải mở thêm một khu vực rộng dành cho bệnh nhân Covid-19 hoặc người nghi nhiễm chờ làm xét nghiệm.
Tại Cardiff, chúng tôi đã có kế hoạch tốt để ứng phó với Covid-19. Dịch bùng phát ở đây chậm hơn London một tuần, nhưng chúng tôi có khoa hồi sức cấp cứu lớn nhất ở Wales nên dự kiến tiếp nhận số bệnh nhân lớn hơn trong thời gian tới. Bắt đầu như thường lệ, chúng tôi họp giao ban để trao đổi về tình hình của tất cả bệnh nhân, nhưng hôm nay mọi người chỉ muốn nói về Covid-19. Sau đó, tôi uống một tách cà phê, mặc đồ bảo hộ và bắt đầu công việc.
10h
Chúng tôi có một bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở khoa ICU. Tôi tới đó kiểm tra để đảm bảo máy thở của anh ấy vẫn đang hoạt động tốt. Đồng thời, tôi cũng cần kiểm tra xem nam bệnh nhân này có duy trì tư thế nằm sấp hay không. Đây được coi là tư thế tốt nhất để giúp phổi bệnh nhân thông khí. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ được phép duy trì tư thế này trong vòng 16 tiếng mỗi này, nếu không sẽ bị loét điểm tì.
Khi rời phòng bệnh, tôi cởi bỏ bộ đồ bảo hộ bức bí đẫm mồ hôi, gồm áo choàng, găng tay và khẩu trang lọc độc. Nếu cởi sai quy cách, hoặc chạm tay lên mặt, ngay cả loại khẩu trang tốt nhất thế giới cũng không cứu được tôi.
Tôi cởi khẩu trang và ném ngay vào thùng rác, sau đó lập tức rửa tay. Chúng tôi đã làm quen với phương thức an toàn này trong suốt đợt dịch Ebola và hiện sử dụng trong các đợt bùng phát cúm mùa. Tuy nhiên, để làm được điều đó một cách thuần thục, bạn phải được đào tạo và thực hành thường xuyên.
11h30
Tôi nói chuyện với gia đình bệnh nhân qua điện thoại, bởi việc đến bệnh viện thăm thân giờ không an toàn. Trao đổi với người nhà bệnh nhân là việc quan trọng nhất nhưng cũng khó khăn nhất với một bác sĩ như tôi. Ngay cả khi bạn đủ can đảm để nhìn vào mắt họ, vẫn thật khó để nói với họ về tình trạng nguy kịch của người thân. Cách duy nhất để xử lý tình huống này là phải nói thật. "Người thân của bạn đang nguy kịch. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp anh ấy khỏe lại và trở về với gia đình", tôi nói.
Tôi thích gọi đó là "niềm hy vọng chân thành".
12h
Những người làm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, gồm bác sĩ, y tá và nhà trị liệu, luôn có mối quan hệ khá gần gũi. Tôi vừa nhận được email từ một đồng nghiệp ở Italy. Hiện giờ, các bác sĩ quốc tế thường xuyên chia sẻ thông tin với nhau qua WhatsApp và email. Bác sĩ Trung Quốc và Italy chia sẻ nhiều lời khuyên về thiết bị, như có thể sử dụng một máy thở cho nhiều bệnh nhân.
Họ cũng nói rằng cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc đua đường dài, chứ không phải chạy nước rút, đồng thời đưa ra một số phương pháp để trao đổi với gia đình bệnh nhân.
Bạn bè ở Canada chia sẻ với tôi bức ảnh về bệnh viện hết sạch nước rửa tay sát khuẩn. Chuyện này chưa xảy ra ở bệnh viện của tôi, nhưng ai biết tương lai sẽ thế nào?
13h
Bữa trưa của tôi là một cái bánh quy.
14h-17h
Tôi tiếp tục chăm sóc những bệnh nhân khác. Hệ thống ICU của Cardiff tiếp nhận hơn 1.500 bệnh nhân mỗi năm. Bệnh nhân được chuyển tới đây với nhiều tình trạng khác nhau, từ chảy máu não, ngừng tim, bệnh truyền nhiễm cho đến nhiễm trùng. Công việc của tôi vẫn tiếp tục dù người đó có bệnh gì.
Với một người nghi ngờ bị nhiễm trùng huyết, tôi sẽ yêu cầu chụp chiếu, đặt ống tĩnh mạch hoặc động mạch, bố trí máy móc lọc thận. Hơn nữa, tôi phải trao đổi với người nhà bệnh nhân và các nhân viên y tế khác.
18h
Đồng nghiệp, người nhà bệnh nhân và những người theo dõi trên mạng xã hội hỏi tôi nhiều câu với nỗi bất an ngày càng tăng. Đây có thể là nguồn năng lượng về mặt khoa học, nhưng cũng có thể gây ra sự mệt mỏi về cảm xúc.
Các bệnh nhân của tôi thường là một nhóm nhỏ những người rơi vào tình trạng nguy kịch. Điều này giờ cũng đúng với những người nhiễm nCoV.
21h30
Kết thúc ca trực trong tình trạng kiệt sức, tôi rời bệnh viện. Tôi ghé qua cửa hàng McDonalds để mua một chiếc McFlurry cho bữa tối. Tôi thấy mình may mắn vì không phải chứng kiến tình trạng thiếu thực phẩm hay hoảng loạn mua sắm ở siêu thị.
Là một nhân viên của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), tôi được dành riêng một giờ mua sắm vào buổi sáng tại chuỗi cửa hàng bán lẻ Marks & Spencer. Tôi giờ lo lắng về việc hết xăng xe hơn.
22h
Trở về nhà sau một ngày dài điều trị cho bệnh nhân là chuyện không dễ dàng. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, tôi cũng rất bận rộn. Vợ tôi, một giáo viên, gọi tôi là "người gắn liền với điện thoại". Hầu hết mỗi tối, tôi đều tắm cho con và ru chúng ngủ nhưng tâm trí tôi luôn để ở nơi khác.
Đêm nay, tôi sẽ ngủ ở phòng khác bởi cả ngày đã tiếp xúc với người nhiễm nCoV.
23h
Hồi sức cấp cứu bắt đầu được xem như một chuyên khoa riêng kể từ năm 1952 khi đối phó với dịch bại liệt bùng phát ở Copenhagen, Đan Mạch. Kinh nghiệm trong 68 năm qua sẽ giúp chúng ta vượt qua đại dịch này. Đối với những người đang lo lắng, tôi chỉ muốn nói rằng: hãy tin tưởng vào khoa học. Khoa học không giúp ta trả lời mọi câu hỏi, nhưng là thứ tốt nhất chúng ta có. Khoa ICU của chúng tôi ở đây vẫn đang trụ vững để giúp đỡ mọi người.
Thanh Tâm (Theo Telegraph)