Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nhịp điệu ồn ào của các cảng hàng không toàn thế giới trong năm qua. Ngay đầu năm 2021, nhịp di chuyển trên bầu trời vẫn chưa thể trở lại bình thường. Tại Mỹ, Anh, Pháp các sân bay vắng lặng người. Ngược lại, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã tấp nập hành khách đến và đi để mừng năm mới.
Nhìn cảnh tấp nập đó, khó có thể tưởng tượng chỉ gần một năm trước, Nội Bài, Tân Sơn Nhất không một bóng hành khách. Vietnam Airlines và các hãng hàng không rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Tháng 3/2020 là mốc lịch sử đáng nhớ với Vietnam Airlines. Các đường bay quốc tế lần lượt bị tạm dừng khai thác từ 21/3. Ngay sau đó, lệnh giãn cách xã hội được ban hành khiến các đường bay trong nước không còn bóng hành khách. Chỉ trong hai tháng, doanh thu của hãng Hàng không Quốc gia sụt giảm nghiêm trọng.
Dịch bệnh Covid-19 tác động nặng nề đến ngành vận tải hàng không toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo ước tính vào đầu tháng 11/2020 của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), năm 2020 hàng không thế giới sụt giảm doanh thu khoảng 118,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 84,3 tỷ USD mà IATA dự báo trước đó vào tháng 6/2020. Doanh thu, sản lượng vận chuyển hành khách đều giảm hơn một nửa so với năm 2019.
Riêng với thị trường Việt Nam, IATA đã đánh giá Việt Nam thiệt hại khoảng 4 tỷ USD. Thống kê cập nhập vào giữa tháng 12/2020 của Cục hàng không Việt Nam cho biết sản lượng điều hành bay chỉ đạt 340.000 chuyến, giảm hơn 31,9% so với năm 2019. Sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 66 triệu khách giảm 43,5%; 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm 14,7% so với năm 2019.
Với Vietnam Airlines, ảnh hưởng của Covid-19 khiến sản lượng cả năm 2020 của hãng giảm 48% so sánh cùng kỳ. Cho đến vài tháng gần đây, khi dịch bệnh trong nước và một số khu vực quốc tế được kiểm soát tốt, Vietnam Airlines mới khôi phục lại các đường bay nội địa.
“Thị trường nội địa đã phục hồi, nhưng cạnh tranh giữa các hãng rất lớn do tất cả đều đẩy mạnh bay nội địa. Doanh thu năm 2020 của Vietnam Airlines ước đạt 42.523 tỷ đồng sụt giảm hơn 42% so sánh cùng kỳ. Mức lỗ năm 2020 sau cắt giảm tối đa chi phí là 14.445 tỷ đồng, trong khi năm trước đó, lợi nhuận hợp nhất của Vietnam Airlines là 3.389 tỷ đồng”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết.
Trước thực tế ngặt nghèo, theo đại diện Vietnam Airlines, hãng Hàng không Quốc gia đã vượt qua bằng nhiều cách. Trước hết là nhờ một nền tảng tài chính lành mạnh. Năm 2019, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên, đạt hơn 3.389 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ là 2.899 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn tốt, Vietnam Airlines bước đầu vững vàng trong tâm dịch.
“Chúng tôi không chủ quan và khẩn trương xây dựng nhiều kịch bản ứng phó khác nhau với Covid-19, ngay từ khi đại dịch có dấu hiệu bùng phát trên toàn cầu. Mọi kịch bản đều hướng đến mục tiêu khôi phục sản xuất kinh doanh sớm nhất có thể, chủ động theo dõi diễn biến thị trường để có phương án sản phẩm phù hợp, tận dụng mọi cơ hội nhỏ nhất để tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí”, ông Lê Hồng Hà cho biết.
Để cắt giảm chi phí, Vietnam Airlines đã điều chỉnh giảm nguồn lực lao động mặt đất, phi công, tiếp viên tương ứng với quy mô sản xuất kinh doanh bị thu hẹp. Hãng Hàng không Quốc gia cũng đàm phán với các đối tác cho thuê máy bay giãn tiến độ thanh toán hơn 2.300 tỷ đồng, tiết kiệm nhiên liệu bay khoảng 1.700 tỷ đồng mỗi tháng khi giá dầu xuống thấp… Thay cho các chuyến bay vận tải hành khách, Vietnam Airlines tăng cường chở hàng. Máy bay chở khách được cải tiến để chở hàng hóa trên khoang khách, giúp tăng tải trọng hàng hóa mỗi chuyến bay từ 2 đến 7 lần.
Khi Covid-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam, Vietnam Airlines đã nhanh chóng khôi phục các đường bay nội địa, tham gia các hoạt động kích cầu du lịch, giới thiệu nhiều chương trình ưu đãi để năm bắt sự phục hồi của thị trường trong nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, ngoài việc đảm bảo kinh doanh, Vietnam Airlines thực hiện hàng trăm chuyến bay hồi hương đưa công dân Việt Nam khỏi các khu vực bị ảnh hưởng ở nước ngoài về nước.
Tình từ đầu tháng 2/2020 đến nay, Vietnam Airlines thực hiện gần 200 chuyến bay, chở hơn 52.500 công dân Việt Nam từ 33 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu về quê hương.
Ông Tô Ngọc Giang, Đoàn trưởng Đoàn bay Vietnam Airlines chia sẻ: “Rất nhiều chuyến bay bay thẳng đến những nơi xa xôi hoặc những sân bay mà Vietnam Airlines chưa từng bay đến, như bay đến Hoa Kỳ, Canada, Guinea Xích Đạo, Angola…Sở dĩ gọi đây là những chuyến bay đặc biệt do các chuyến bay này đều phải đáp ứng những quy định, thủ tục rất nghiêm ngặt cả về an toàn hàng không và phòng chống dịch bệnh”.
Để hoàn thành hàng trăm chuyến bay đặc biệt này, các đơn vị điều hành mặt đất thường xuyên phải chạy đua với thời gian, làm việc thâu đêm để hoàn thành các thủ tục xin cấp phép bay, kịp thời gian sắp xếp hành khách và đảm bảo đúng quy định của nước sở tại. Mỗi chuyến bay hồi hương huy động số lượng phi công, tiếp viên nhiều hơn chuyến bay thường lệ từ 1,2 - 1,5 lần, nhằm đảm bảo sức khỏe, khả năng làm việc của phi hành đoàn, đảm bảo an toàn bay trên những chuyến bay dài nhiều tiếng đồng hồ với áp lực lớn về phục vụ hành khách và phòng chống dịch bệnh. Đi cùng với phi công, tiếp viên, còn có nhân viên thủ tục mặt đất, nhân viên kỹ thuật để hỗ trợ xử lý các nghiệp vụ như check-in, hành lý, nạp nhiên liệu, kiểm tra kỹ thuật tàu bay…ngay tại sân bay nước ngoài.
Trong những chuyến bay này, hành khách, phi hành đoàn đều phải trang bị bảo hộ y tế toàn thân, hạn chế đi lại và giao tiếp. Với chuyến bay chở hành khách có dấu hiệu dương tính Covid-19, sẽ cần nhân lực sẵn sàng xử lý mọi vấn đề ngay trên tàu bay, lắp thêm máy thở, buồng áp lực dương…
“Khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi đều ý thức đây là nhiệm vụ thiêng liêng, vì lợi ích của công dân Việt Nam. Dù công tác phòng dịch kỹ lưỡng, nhưng các thành viên phi hành đoàn đều sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm. Niềm hân hoan của đồng bào khi được về Việt Nam an toàn, là thành công lớn nhất của những chuyến bay hồi hương”, ông Tô Ngọc Giang nói.
Kết thúc năm 2020, Vietnam Airlines nhanh chóng thực hiện chiến dịch chào đón Tết Tân Sửu. Mong muốn lớn nhất của những phi công, tiếp viên, nhân viên của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam là đưa hành khách về nhà đón Tết sau một năm nhiều sóng gió của dịch bệnh, thiên tai.
Trong dịp cao điểm Tết nguyên đán 2021, từ ngày 27/1 - 26/2/2021 (tức ngày 15 tháng Chạp - 15 tháng Giêng), Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) tăng thêm hơn 550.000 chỗ (tương đương hơn 2.800 chuyến bay), nâng tổng số ghế toàn mạng nội địa vào dịp Tết lên hơn 2,5 triệu, tương đương gần 13.000 chuyến bay. Vietnam Airlines Group tập trung tăng tải trên các đường bay có nhu cầu lớn để phục vụ hành khách.
Trong TVC vừa phát hành, Vietnam Airlines truyền thải thông điệp ý nghĩa của mỗi chuyến bay. Mỗi người có thể “bay” để thấy vẻ đẹp kỳ vĩ của quê hương mà ta chưa từng, “bay” để trao niềm tin hay mang yêu thương trở về. Một năm vượt khó của Vietnam Airlines khép lại bằng những hình ảnh đẹp như vậy.
Có những chuyến đi với đích đến là các trải nghiệm mới cùng cơ hội khám phá miền đất, những nét văn hóa mới. Lại có những hành trình mang sứ mệnh kết nối yêu thương giữa những người thân trong gia đình, bạn bè. Nhưng cho dù vì lý do gì đi chăng nữa thì điểm chung của các hành trình ấy thường là những cánh bay mang theo niềm hy vọng. “Trước đây, du lịch thường để khám phá các miền đất, đất nước mới thì hiện tại, nhờ vào thành công chống dịch mà Việt Nam trở thành điểm đến an toàn mới. Những hình ảnh tượng trưng cho hi vọng vào tương lai tươi sang khi đại dịch chấm dứt và góp phần kích cầu du lịch nội địa, phục hồi kinh tế Việt Nam”, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.