Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2/2022 và đoàn xe tăng, thiết giáp hàng trăm chiếc áp sát Kiev, nhiều nhà phân tích và quan chức phương Tây dự đoán Ukraine sẽ đầu hàng chỉ sau vài ngày. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố kháng cự đến cùng, nhưng họ cho rằng đó chỉ như lời tự trấn an tinh thần.
Sau gần một năm, Ukraine đã cho thấy tuyên bố của ông Zelensky là có cơ sở. Quân đội Ukraine đã chứng minh được rằng họ có thể vượt qua nghịch cảnh để đối đầu với lực lượng Nga hoàn toàn áp đảo cả về quân số lẫn hỏa lực.
Ukraine thậm chí còn gây ra tổn thất lớn cho quân đội Nga trên chiến trường, đồng thời khiến đối phương bộc lộ những điểm yếu trong chiến thuật, năng lực chỉ huy, hậu cần cũng như khả năng phối hợp tác chiến, theo giới quan sát.
Ngược lại, quân đội Ukaine đã cho thấy khả năng tác chiến hiệu quả ngay từ những ngày đầu cuộc chiến, khi đối phó với lực lượng đặc nhiệm Nga đổ bộ đánh chiếm sân bay Antonov, thành phố Hostomel, ngoại ô thủ đô Kiev. Lực lượng Nga nhanh chóng chiếm sân bay Antonov, đe dọa biến nơi đây thành một đầu cầu để chuyển quân tiếp viện nhằm nhanh chóng kiểm soát Kiev.
Nhưng một ngày sau, đặc nhiệm Ukraine với hỏa lực yểm trợ của pháo binh đã tiến vào sân bay, đánh bại lực lượng Nga cố thủ. Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của quân đội Nga cũng sụp đổ từ đây.
Cuộc tấn công vào sân bay Antonov đã cho thấy quyết tâm của Tổng thống Zelensky đằng sau tuyên bố "tôi cần đạn dược, không phải một chuyến xe" khi ông từ chối lời đề nghị hỗ trợ sơ tán từ Mỹ.
Một tháng sau, đoàn xe Nga xếp hàng dọc tuyến cao tốc ở phía bắc Kiev đã phải rút lui, khi Nga điều chỉnh chiến lược, chuyển sang tấn công các mục tiêu nhỏ hơn ở miền đông Ukraine.
Khả năng chiến đấu của Ukraine còn được củng cố đáng kể bởi dòng viện trợ vũ khí hiện đại không ngừng nghỉ từ phương Tây. Đầu tiên, vũ khí chống tăng do Anh và Mỹ cung cấp cùng UAV Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp ngăn chặn cuộc tấn công của Nga vào Kiev bằng cách liên tục tập kích, phục kích đoàn xe quân sự đối phương.
Sau đó, các tổ hợp pháo phản lực HIMARS từ Mỹ, pháo tầm xa của Pháp, Ba Lan và những đồng minh khác đã cho phép Ukraine tấn công các sở chỉ huy, kho đạn và kho nhiên liệu của Nga nằm sâu phía sau chiến tuyến.
Năng lực thu thập và tổng hợp thông tin tình báo theo thời gian thực, được NATO hỗ trợ, đã góp phần giúp các đơn vị Ukraine phát hiện mục tiêu chính xác và nhanh hơn.
Những hệ thống phòng không phương Tây giúp chặn đứng các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV Nga, đồng thời tạo tiền đề để lực lượng không quân Ukraine thực hiện nhiệm vụ trên không phận, giảm nguy cơ bị bắn hạ.
Dù vậy, tốc độ chuyển giao vũ khí của phương Tây chưa đáp ứng được kỳ vọng của Ukraine. Sau nhiều tháng tranh cãi, phương Tây đã đồng ý chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine, nhưng chúng khó đến được chiến trường trước tháng 4 để đối phó chiến dịch tấn công mới của Nga.
Khi xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ hai, Kiev còn có nhiều nhu cầu cấp thiết khác hơn là xe tăng, trong đó nổi bật là đạn pháo. "Chúng tôi cần đạn pháo, đạn pháo và một lần nữa là đạn pháo", một binh sĩ Ukraine xuất hiện trên kênh truyền hình Mỹ hồi tuần trước cho biết.
Trong thời gian chờ đợi nguồn vũ khí bổ sung từ phương Tây, Ukraine vẫn phải cố gắng "vượt khó" bằng những thiết giáp cũ kỹ và những khẩu pháo từ thời Liên Xô. Khi không được cung cấp đủ đạn, chúng hoàn toàn thất thế trước lực lượng pháo binh, tên lửa khổng lồ của Nga, một chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá.
"Rõ ràng chúng ta đang trong một cuộc chạy đua hậu cần", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước nói.
Dù đã tạo ra nhiều bất ngờ trong năm đầu tiên chiến sự, Ukraine thời gian tới dự kiến phải đối mặt với chiến dịch tấn công dữ dội hơn từ phía Nga. Để giảm áp lực tấn công của đối phương, ngoài cố gắng cầm cự để chờ vũ khí từ phương Tây, Ukraine sẽ phải mở những đợt phản công mới để cắt đứt các tuyến tiếp tế trọng yếu của Nga.
Nhưng binh sĩ Ukraine sẽ cần nhiều thời gian để thuần thục xe tăng, thiết giáp cùng các khí tài khác của phương Tây nhằm chọc thủng phòng tuyến Nga, hiện tại vững chãi hơn so với cách đây vài tháng.
Rất có thể sau một đợt giao tranh dữ dội vào mùa xuân năm nay, cuộc xung đột sẽ chuyển sang giai đoạn bế tắc và chiến tranh tiêu hao, khi cả hai bên sẽ giành giật từng mét đất trên chiến trường, với tổn thất rất lớn, chuyên gia dự đoán.
"Người Ukraine kỳ vọng rằng họ sẽ tiếp tục tạo nên kỳ tích để sớm kết thúc chiến sự, nhưng điều đó có thể không xảy ra trong năm 2023", nhà phân tích kỳ cựu Tim Lister từ CNN nhận định.
Vũ Hoàng (Theo CNN)