Các cảng ở Biển Đen của Ukraine đã bị phong tỏa kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự và hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt trong các hầm chứa ở nước này. Nga và Ukraine sản xuất 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu, việc thiếu lượng ngũ cốc xuất khẩu từ các cảng Ukraine đang góp phần gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Các nước phương Tây đang thảo luận về ý tưởng thiết lập hành lang an toàn cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine, nhưng họ nhấn mạnh bất kỳ hành lang nào như vậy đều cần có sự đồng ý của Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko ngày 25/5 tuyên bố nước này sẵn sàng mở hành lang, với điều kiện là phương Tây nới trừng phạt với Moskva. "Giải quyết vấn đề lương thực đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, trong đó có việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu cùng giao dịch tài chính của Nga", ông nói.
Thứ trưởng Rudenko cũng yêu cầu phía Ukraine dọn dẹp thủy lôi ở tất cả các cảng. Cả Moskva và Kiev đều cáo buộc đối phương để thủy lôi trôi dạt trên Biển Đen.
Phương Tây đã cáo buộc Điện Kremlin sử dụng nạn đói như một vũ khí trong chiến dịch quân sự ở Ukraine và "đánh cắp" ngũ cốc của Ukraine từ các vùng lãnh thổ do lực lượng Nga kiểm soát.
"Tôi cực lực phủ nhận điều này. Chúng tôi không đánh cắp của bất kỳ ai", Thứ trưởng Rudenko nói.
Ông Rudenko cũng đề cập đề xuất của Litva về việc lập liên minh các nước để hộ tống hàng hóa của Ukraine qua Biển Đen. "Ý tưởng này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình ở khu vực", Thứ trưởng Nga cảnh báo.
Phản ứng trước bình luận của Thứ trưởng Nga, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba chỉ trích Moskva đang cố "tống tiền" cộng đồng quốc tế.
Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã chịu loạt lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây. RT cho biết Nga chịu khoảng 10.000 hạn chế, khiến nước này thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.
Mỹ cùng các đồng minh đã loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này. Các nước phương Tây còn đóng băng khoảng một nửa trong hơn 600 tỷ USD dự trữ dưới dạng ngoại tệ và vàng của Ngân hàng Trung ương Nga.
Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng cấm hàng loạt quan chức phương Tây nhập cảnh, trừng phạt hàng chục công ty năng lượng Mỹ, EU và Singapore cũng như yêu cầu các nước "không thân thiện" phải mua năng lượng Nga bằng đồng ruble.
Ngọc Ánh (Theo AFP/Interfax)