Theo báo cáo được công bố hôm 17/9, các nhà nghiên cứu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã tiến hành phân tích gần 3.689 người trưởng thành ở 18 bang nhập viện vì Covid-19 từ ngày 11/3 đến ngày 15/8/2021, giai đoạn trước và sau khi biến chủng Delta hoành hành. Trong số này, 12,9% được tiêm chủng đầy đủ bằng vaccine Moderna, 20% được tiêm Pfizer/BioNTech và 3,1% được tiêm Johnson & Johnson.
Các nhà nghiên cứu kết luận vaccine của Moderna hiệu quả ngăn ca nhập viện 93% trong 14-120 ngày sau mũi thứ hai và duy trì hiệu quả 92% sau hơn 120 ngày. Vaccine của Pfizer/BioNTech hiệu quả ngăn ca nhập viện 91% trong 14-120 ngày sau khi tiêm liều thứ hai và giảm xuống 77% sau hơn 120 ngày.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy vaccine của Moderna hiệu quả bảo vệ cao hơn, gồm một nghiên cứu được công bố tuần trước của CDC. Lý do không hoàn toàn rõ ràng, nhưng có thể do liều lượng của Moderna cao hơn, 100 microgam so với 30 microgam của Pfizer.
Điều này cũng có thể liên quan đến khoảng cách giữa hai mũi tiêm. Hai mũi Pfizer cách nhau ba tuần, trong khi Moderna được tiêm cách nhau 4 tuần.
Kết quả được công bố khi một hội đồng tư vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) khuyến nghị không nên tiêm mũi tăng cường Pfizer cho tất cả người Mỹ từ 16 tuổi trở lên. 16 trong số 18 chuyên gia nói rằng Pfizer đã không thu thập đủ dữ liệu để cho thấy sự cần thiết của mũi tiêm thứ ba.
Thế giới đã ghi nhận 228.752.059 ca nhiễm nCoV và 4.697.958 ca tử vong, trong khi 205.379.144 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers. Trong bối cảnh các nước trên thế giới nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, nhiều quốc gia và giới khoa học đang tranh cãi về mũi tiêm tăng cường.
Tại Ấn Độ, tỷ phú Adar Poonawalla, giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hôm 17/9 cho rằng việc tiêm mũi tăng cường là "phi đạo đức" trong bối cảnh các nước phát triển đang vật lộn để tiếp cận vaccine.
"Thật phi đạo đức khi bắt đầu tiêm ba liều cho ai đó trong khi người dân ở một số quốc gia và nhóm dân số nhất định chưa tiêm đủ hai liều", ông nói, thêm rằng "không đúng" khi triển khai mũi tiêm tăng cường trong bối cảnh các nước nghèo hơn "không thể tiêm đủ mũi vì hầu hết vaccine đã bị các nước giàu lấy".
Hồi tháng 7, Israel là quốc gia đầu tiên đề xuất mũi tăng cường và một số quốc gia châu Âu sau đó áp dụng theo, nhằm vào các nhóm nguy cơ cao. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến triển khai tiêm mũi tăng cường từ tuần tới, nhưng đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Các chuyên gia y tế Ukraine cảnh báo nước này đang bên bờ vực của thời kỳ chết chóc nhất trong đại dịch Covid-19 do tỷ lệ tiêm chủng thấp và ca nhiễm tăng nhanh. Đất nước 40 triệu dân với hệ thống chăm sóc sức khỏe già cỗi đã phải vật lộn để tiếp cận nguồn cung vaccine và chiến dịch tiêm chủng gặp trở ngại vì tâm lý hoài nghi vaccine của nhiều người.
Ca nhiễm mới ở Ukraine đang tăng đều đặn, với 27.600 ca mới được ghi nhận trong 7 ngày qua so với 17.000 ca của tuần trước. Quan chức y tế ở thủ đô Kiev hôm 17/9 ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ tháng 5, trong khi số người nhập viện trung bình hàng ngày tăng gần 400 người trong tuần này so với tuần trước.
"Làn sóng này hầu như sẽ là đợt nguy hiểm nhất", cựu thứ trưởng y tế và là người sáng lập Trung tâm Phân tích Sức khỏe Cộng đồng, Pavlo Kovtonyuk, nói. "Rất ít người dân Ukraine được tiêm chủng để có thể kìm hãm làn sóng này".
Chỉ 12% người Ukraine được tiêm đầy đủ một trong 4 loại vaccine sẵn có trong nước, gồm cả AstraZeneca và Moderna, trong bối cảnh tâm lý chống đối vaccine vẫn cao. Giới chức chưa thể phát hiện chủng virus gây đợt bùng phát nghiêm trọng hiện nay, nhưng "khả năng cao" đó là Delta.
Sóng lây nhiễm mới có thể đạt đỉnh vào giữa tháng 10 và tiếp tục kéo dài đến tháng 11 với 350 đến 400 người thiệt mạng mỗi ngày, theo dự báo của chuyên gia. Những biện pháp hạn chế mới ngăn Covid-19 sẽ có hiệu lực từ 20/9.
Ukraine đã ghi nhận hơn 2,3 triệu ca nhiễm và hơn 55.000 tca tử vong từ khi đại dịch bắt đầu.
Đợt bùng phát mới do biến chủng Delta ở Australia khiến giới chức phải áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt với thủ đô Canberra cùng hai thành phố lớn Sydney và Melbourne. Hàng nghìn cảnh sát ở Australia hôm 18/9 được triển khai để đối phó các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa.
Tại Melbourne, hơn 1.000 người biểu tình phản đối lệnh phong tỏa và cảnh sát đã xịt hơi cay để giải tán đám đông. Nhiều người biểu tình ẩu đả với cảnh sát và 235 người đã bị bắt. Hầu hết người biểu tình không đeo khẩu trang.
Tại Sydney, cảnh sát, cảnh sát chống bạo động, đội tuần tra cao tốc và các nhà điều tra được triển khai để ứng phó biểu tình. 32 người biểu tình bị bắt sau đó.
Huyền Lê (Theo AFP, Los Angeles Times)