Phương pháp này được chị Phạm Thị Thúy, ở Đồng Nai, chia sẻ trên một diễn đàn ẩm thực.
- Đầu tiên, phải chọn những quả chanh nguyên vẹn, không bị dập nát rồi rửa sạch, để ráo nước.
- Đổ một lớp cát rồi xếp một lớp chanh lên, lần lượt đến khi hết chanh.
- Cát sử dụng là cát ẩm, nếu cát khô tưới thêm nước. Chú ý tưới nước để tạo độ ẩm, không tưới đẫm, quả dễ bị ủng.
- Đặt hũ chanh nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Khi chế biến, chỉ cần lấy chanh khỏi hũ cát rồi rửa sạch là có thể sử dụng.
Theo chị Thúy, mỗi lần nhận được chanh từ quê, nếu dùng không kịp hoặc tủ lạnh đầy, không còn chỗ đựng, chị lại thực hiện theo phương pháp trên. Nhiều quả dù bị khô, vỏ teo... nhưng vùi trong cát một tuần thì tươi trở lại, căng tròn, mọng nước. Cách làm này cũng có thể áp dụng cho nhiều loại quả cùng họ như cam, quýt, bưởi, quất...
Ngoài phương pháp trên, chị Đinh Phương Chi, sống ở Hà Nội có cách bảo quản khác.
"Các bé có thể uống nước chanh mà không cần dùng tới dao cắt, có vắt bát nước chấm xinh xinh không cần dùng tới cả quả chanh rồi đem vứt đi một nửa", chị Chi nói.
Phương pháp của chị Chi như sau:
- Chanh mua về rửa sạch ngâm nước muối, để ráo nước.
- Nếu là chanh cỡ to hay chanh đào không cần gọt vỏ, cắt đôi dùng tay vắt rất dễ vì vỏ chanh đào mỏng, mềm. Nếu là chanh thường cỡ nhỏ, dùng máy ép chậm ép lấy nước, nhưng nhất thiết phải gọt vỏ.
- Với chanh to không gọt vỏ có thể dùng máy vắt cam để vắt. Nhưng phải lót giấy ăn bọc vỏ để khi vắt tinh dầu tiết ra, giấy sẽ thấm hết, không làm nước cốt chanh bị đắng.
- Cố gắng gấp giấy nhỏ nhất, nếu để xòe to giấy sẽ hút luôn cả nước cốt chanh. Khi nào thấy giấy ướt phải thay giấy mới.
- Chanh vắt xong cho vào khay đá viên nhỏ rồi để tủ đá.
- Khi nước chanh đóng đá, cho chanh đá viên vào hộp bảo quản, hoặc cho vào túi ziplock, để ngăn đông.
- Khi làm gia vị pha nước chấm, nước rau muống luộc, nước chanh đá, trà chanh... tuỳ theo khẩu vị mà lấy chanh đá viên theo nhu cầu.
Theo chị Chi, chanh bảo quản kiểu này, quanh năm vẫn có mùi thơm, hấp dẫn.
Vy Trang