Sáng 16/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét phần kháng cáo của bà Đàm Thị Trinh, mẹ ruột Phan Quốc Việt, đề nghị được trả lại 52 sổ tiết kiệm của bà, tổng 412 tỷ đồng.
Số tiền này được tòa sơ thẩm tuyên có nguồn gốc bất hợp pháp nên đang bị phong tỏa, kê biên.
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, bà Trinh trình bày có khoản tiền lớn gồm tích cóp của vợ chồng và 1.000 cây vàng bà được bố cho làm của hồi môn. Trong 10 năm, 2008-2018, bà cho con trai Phan Quốc Việt vay 450 tỷ đồng (gồm vàng, tiền mặt và USD) để đầu tư vào Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Tháng 10/2021, Việt hai lần chuyển trả nợ cho bà, lần đầu 250 tỷ, lần sau 200 tỷ đồng. Sau đó, bà Trinh rút ra 38 tỷ trả nợ người thân, bạn bè, còn lại gửi tiết kiệm tổng 412 tỷ đồng. "Mong tòa xem xét cho tôi nhận lại số tiền này, vì giờ vợ chồng già rồi không làm gì được nữa", bà nói sáng nay tại phiên phúc thẩm.
Trước quan điểm này, HĐXX cho rằng nguồn tiền của Việt chuyển cho bà Trinh vào năm 2021 "có nguồn gốc bất hợp pháp" nên chuyển vào tài khoản nào thì "vẫn là tiền bất hợp pháp, cần thu hồi".
Đáp lại, bà Trinh khẳng định "không biết nguồn gốc tiền do đâu, có phải bất hợp pháp hay không".
Tòa phân tích, bà Trinh mới chỉ chứng minh về nguồn gốc tiền, chứ chưa chứng minh được đó là tiền cho Việt vay. Luật sư của bà có nộp vi bằng về việc cho vay nhưng là bản sao, không có chữ ký các bên nên cần xem xét giá trị pháp lý.
Còn VKS cho hay cơ quan điều tra cần thu đủ 450 tỷ đồng chứ không phải chỉ 412 tỷ trong sổ tiết kiệm của bà Trinh, bởi đây là tiền chuyển từ tài khoản của Việt, là tiền bất hợp pháp. Bà Trinh lại không xuất trình được các hợp đồng vay tiền.
"Nếu bà có hợp đồng công chứng thì sẽ khác", đại diện VKS lập luận và nhắc lại quan điểm "tiền từ tài khoản của Việt là bất hợp pháp nên dù dòng tiền này đi đến đâu cũng là bất hợp pháp". Vì vậy, bản án sơ thẩm tuyên kê biên, phong tỏa 42 sổ tiết kiệm của bà Trinh "là không sai".
Trả lời trước tòa, Việt cũng khẳng định hai lần chuyển 450 tỷ đồng cho mẹ để "trả nợ". Nguồn tiền một phần từ việc bán kit test và các nguồn khác như kinh doanh bất động sản, bán trang thiết bị... Bởi trước khi Covid-19 bùng phát năm 2020, Việt Á còn kinh doanh bất động sản, sản xuất trang thiết bị.
Theo Việt, nguồn tiền từ các khoản khác của Việt Á "chưa được gọi là vi phạm". Tại thời điểm chuyển tiền cho mẹ, Việt không phân tách đâu là tiền vi phạm bởi chưa nghĩ đến lúc bị bắt.
"Vì sao bị cáo vay mẹ từ năm 2008 đến 2021 mới trả?", tòa phúc thẩm hỏi. "Vì nguồn tiền trong các dự án không rút ra được, đến 2021 mới có nguồn thu từ bán kit test và các nguồn khác", Việt trả lời và nói số tiền từ các nguồn khác của Việt Á lên đến nghìn tỷ đồng, có sổ sách.
Tại tòa sáng nay, bà Hồ Thị Thanh Thủy, vợ bị cáo Phan Quốc Việt, cũng đề nghị hủy phong tỏa hai sổ tiết kiệm mà vợ chồng lập cho hai con, tổng 20 tỷ đồng. Hai sổ tiết kiệm do bà Thủy đứng tên, tiền cho Việt chuyển qua.
Tuy nhiên, tương tự như với bà Trinh, tòa cũng cho rằng nguồn tiền này có được do Việt thu lợi bất hợp pháp nên cần thu hồi. Nhưng Việt nói nguồn tiền này từ nhiều nguồn thu nhập khác nhau chứ không phải từ bán kit test.
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 1, tòa xác định Việt Á hưởng lợi bất chính từ việc bán kit test xét nghiệm 1.235 tỷ đồng nên buộc nộp lại toàn bộ số tiền này sau khi khấu trừ các khoản đưa hối lộ và những khoản liên quan khác.
Bản án sơ thẩm cũng tuyên tiếp tục phong tỏa 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ Việt và hai sổ tiết kiệm của con bị cáo Việt.
Chiều nay, phiên phúc thẩm đại án Việt Á tiếp tục với phần tranh tụng.
Ngày 15-17/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc đánh giá lại tội danh của cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long, cựu chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt và 9 người.
>>Danh sách những người kháng cáo
27 người còn lại không kháng cáo, trong đó có cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng (án sơ thẩm 5 năm); cựu giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang Lâm Văn Tuấn, án sơ thẩm 5 năm...