Sáng 9/1, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm bào chữa cho cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng trước cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ khi nhận 4 tỷ đồng, bị đề nghị 5-6 năm tù.
Luật sư cho rằng bối cảnh phạm tội của ông Thăng "khá đặc biệt" khi hồi đó dịch bệnh ở Hải Dương diễn biến nhanh, phức tạp nhất cả nước khiến ba lần phải công bố dịch. Việc dập dịch cũng khác so nhiều địa phương khác khi tốc độ lây lan cao, "80% người nhiễm bệnh không có triệu chứng". Hải Dương có nhiều khu công nghiệp, công nhân đông nên thời gian ủ bệnh lâu. Có thời điểm, Hải Dương phải cách ly tập trung hơn 15.000 người khiến số lượng F1, F2 phải xét nghiệm rất lớn.
"Đây là khủng hoảng y tế đặc biệt nghiêm trọng ở Hải Dương, chưa có tiền lệ", luật sư đánh giá.
Theo luật sư, thời điểm đó, quan điểm, nhận thức về phương pháp chống dịch là "Zero Covid" - nghĩa là đưa số ca bệnh về không. Bởi thế, công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị được thực hiện theo phương châm "chống dịch như chống giặc, dập dịch thần tốc, nhanh hơn một bước, cao hơn một cấp". Trước bối cảnh như vậy, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 có nhiều chỉ đạo về công tác dập dịch ở Hải Dương như giãn cách xã hội toàn thành phố Chí Linh trong 21 ngày, chỉ đạo "xét nghiệm diện rộng". Khi vaccine đặc hiệu chưa có thì xét nghiệm "là vũ khí duy nhất" của giai đoạn này.
Quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng năng lực của tổ chức và đội ngũ y tế cơ sở, y tế dự phòng và điều trị tại chỗ của tỉnh Hải Dương rất hạn chế khi chỉ xét nghiệm được 800 mẫu một ngày. Được lãnh đạo Bộ Y tế giới thiệu và qua nhiều kênh thông tin, ông Thăng nhận thức Việt Á có năng lực xét nghiệm, có đủ điều kiện để cung cấp kist test và hỗ trợ máy móc, nhân lực hỗ trợ CDC Hải Dương.
Luật sư Cường dẫn lời khai của ông Thăng tại cơ quan điều tra thể hiện hồi đó ông thấy Việt Á là "ngôi sao sáng" trong công tác chống dịch, được Bộ Y tế khuyến nghị "tin dùng". Tại các cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch, các lãnh đạo cũng nhận xét Việt Á là công ty rất tốt, không chỉ bán kit mà còn đưa máy móc nhân lực để hỗ trợ xét nghiệm.
Ông Thăng bị cáo buộc đã chủ trì ít nhất 3 cuộc họp và ra 3 thông báo chỉ đạo cho Việt Á tham gia xét nghiệm trên địa bàn tỉnh, nêu rõ nội dung "giao CDC ký hợp đồng với Việt Á trong tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19". Ngày 22/2/2021, ông chỉ đạo các đơn vị khác phải dừng xét nghiệm, giúp Việt Á được "độc quyền" xét nghiệm, bán vật tư, mở rộng quy mô buôn bán kit test giá cao.
Bào chữa trước quan điểm buộc tội trên của VKS, luật sư Cường biện minh khi đó lãnh đạo cấp ủy địa phương được giao trực tiếp chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và "chịu trách nhiệm về chống dịch". Hơn nữa, việc xét nghiệm diện rộng, cách ly, phong tỏa là phương châm dập dịch lúc đó nên không còn cách nào khác.
Về cáo buộc ông Thăng nhận hơn 4 tỷ đồng từ Việt Á, luật sư thừa nhận đây là "sai phạm khiến cựu bí thư bị xét xử". Luật sư mong VKS xem xét khách quan hơn khi dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của ông Thăng, năm 2021 ca bệnh ghi nhận của Hải Dương chỉ chiếm 0,1% so với cả nước. Năm 2022 có cao hơn nhưng ca mắc cũng chỉ 0,3%.
Luật sư nói hơn 30 năm công tác, ông Thăng có 43 bằng khen, giấy khen nên đề nghị HĐXX cân nhắc việc này để xem xét, giảm nhẹ hình phạt. Ông Thăng còn được hơn 100 giáo viên và cựu học sinh trường THPT Cầu Xe, huyện Tứ Kỳ, nơi ông từng công tác, viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
"Quy định pháp luật bất cập khiến lãnh đạo sai phạm"
Bào chữa cho bị cáo Phạm Mạnh Cường, luật sư cho hay khi dịch xảy ra, thân chủ với cương vị Giám đốc Sở Y tế Hải Dương đã ban hành nhiều văn bản mời các đơn vị về địa phương hỗ trợ chống dịch. Việt Á không phải đơn vị duy nhất được mời. Ông Cường không gặp, bàn bạc trước với Việt Á về việc ký hợp đồng hay giúp đỡ gì để giúp "Việt Á tăng doanh thu từ xét nghiệm".
Luật sư cho rằng tâm thế làm việc lúc đó của ông Cường chỉ với mục đích duy nhất "làm sao chống dịch tốt nhất". Kết quả, đợt dịch bùng phát lần 3, Hải Dương "dập rất nhanh, chỉ sau một tháng".
Nhưng nguyên nhân khách quan khiến các sai phạm xảy ra, theo luật sư là các văn bản quy định pháp luật về đấu thầu, chỉ định thầu rút gọn và quản lý tài sản công rất "lạc hậu, không rõ ràng, không theo kịp cuộc sống". Khi Covid-19 bùng phát, việc đối phó không những không có hướng dẫn cụ thể từ cấp có thẩm quyền mà ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo.
Theo luật sư, đây chính là các nguyên nhân và cũng có thể là "kẽ hở" để một số cán bộ nhà nước sai phạm. Luật sư nói chỉ ra các bất cập nhưng không phải để kêu gọi sự cảm thông mà mong muốn VKS có góc nhìn khách quan hơn để đánh giá toàn diện về các rủi ro khi làm việc của cựu giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường.
Về tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ, luật sư mong VKS ghi nhận như ông Cường có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo; được 15 bằng khen, giấy khen; có 358 người gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt....
Trong bản luận tội nêu hôm qua, ông Cường bị đề nghị 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, khi nhận tổng cộng 7 tỷ đồng của Việt Á.
Phiên tòa đang tiếp tục làm việc.
Thanh Lam - Phạm Dự