Cuộc sống vẫn tiếp diễn ở Mariupol, thành phố ven biển phía nam Ukraine, kể từ khi Nga kết thúc chiến dịch vây hãm nhà máy thép Azovstal tháng trước. Những người ở lại thành phố gần như bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, khi kết nối điện thoại di động và Internet đều rất hạn chế.
Vladimir Korchma, 55 tuổi, thợ máy sinh ra và lớn lên ở Mariupol, cho hay trong những ngày đầu sau khi giao tranh kết thúc, người dân sống trong tình cảnh không có khí đốt hay điện. "Chỉ những người may mắn mới có nước dùng", Korchma nói.
Korchma đã rời khỏi Mariupol hồi cuối tháng 5, khoảng hai tuần sau khi Nga kiểm soát hoàn toàn thành phố. Ông hiện sống tại một trung tâm trợ giúp những người sơ tán khỏi Mariupol ở thủ đô Kiev.
Korchma mở điện thoại và chỉ vào hình ảnh một khu chung cư bị phá hủy. "Đây từng là nhà của tôi", ông nói. "Giờ đây, nó chỉ còn là đống đổ nát. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ vô gia cư ở tuổi 55".
Việc liên lạc với em trai của ông và những người khác còn ở lại Mariupol rất khó nhưng, Korchma cho hay. Kyivstar, nhà cung cấp dịch vụ Internet và viễn thông, đã ngừng hoạt động từ cuối tháng ba, nên em trai ông phải đi bộ ra ngoại ô để có sóng liên lạc.
Nga gần đây liên tục đưa những chiếc xe tải có gắn màn hình lớn vào thành phố. Các "xe thông tin di động" này phát những bản tin truyền hình nhà nước và các chương trình đối thoại chính trị của Nga, trong đó các chuyên gia bày tỏ ý kiến ủng hộ chiến dịch quân sự mà Moskva đang tiến hành ở Ukraine.
"Họ bố trí những xe thông tin đó tại tất cả quảng trường chính của thành phố", Katarina, cư dân cũ ở Mariupol đang sơ tán tại thị trấn biên giới Rostov-on-Don, cho hay.
Truyền thông nhà nước Nga thông báo biển chào mừng người dân đến Mariupol đã được thay thế bằng tấm biển sơn màu cờ Nga. "Chiến dịch chống phát xít hóa đã thành công ở Mariupol", Vladimir Solovyov, một người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga, tuyên bố.
Song những câu chuyện khác từ bên trong thành phố, kể cả từ những người ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga, cho thấy một bức tranh kém tươi sáng hơn.
"Nhiều người Mariupol đang phải nhóm bếp củi trong sân để nấu chim bồ câu", kênh NTV thuộc sở hữu nhà nước Nga đưa tin hồi cuối tháng trước. Các bản tin cho thấy phần lớn thành phố đều thiếu điện và nước.
Trong khi đó, điều kiện chăm sóc y tế ngày càng giảm sút và tình trạng thiếu thuốc men đang khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Tại trung tâm trợ giúp ở Kiev, Oleh kể rằng không lâu trước khi rời Mariupol vào ngày 2/5, anh đưa em trai đến gặp nha sĩ sau nhiều tuần bị cơn đau răng hành hạ dưới hầm trú ẩn.
Khi đến nơi, họ được nha sĩ thông báo rằng đã hết thuốc mê. "Chiếc răng sâu của em tôi rất tệ, nên họ quyết định nhổ mà không cần gây mê", Oleh kể.
Nhiều người lo ngại dịch tả và các loại bệnh khác có thể xuất hiện trong thời gian tới, bởi nhiều thi thể vẫn nằm rải rác khắp nơi trong thành phố, trong khi mùa hè đang đến, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Petro Andryushchenko, cố vấn thị trưởng Mariupol của chính quyền Ukraine, gần đây ước tính 22.000 người đã thiệt mạng trong hai tháng giao tranh. Tuy nhiên, một nhân viên phụ trách điều phối chôn cất các thi thể nói rằng số người chết có thể lên đến 50.000.
Dù phe ly khai thân Nga đã cam kết xây dựng lại thành phố biển như một "khu nghỉ dưỡng", nền kinh tế của Mariupol dường như đang đi vào ngõ cụt, khi dòng người xếp hàng mỗi ngày để nhận thực phẩm và hỗ trợ nhân đạo ở khắp nơi.
"Đó là nỗi đau vô tận", Anna Chasovnikova, nhà tâm lý học tại trung tâm trợ giúp ở Kiev, mô tả về cảm xúc của những người đã rời khỏi Mariupol và tham gia các buổi trị liệu với cô.
"Một trong những vấn đề lớn nhất họ gặp phải là chưa thể chấp nhận rằng cuộc sống trước đây đã biến mất mãi mãi. Họ không thể nhìn về tương lai nữa", Chasovnikova nói.
Cô thừa nhận mặc dù là một nhà tâm lý học giàu kinh nghiệm, cô vẫn cảm thấy rất khó khăn khi giúp đỡ những bệnh nhân đã trải qua câu chuyện "không thể tưởng tượng nổi ở thế kỷ 21". "Bạn sẽ nói gì khi một bé gái kể rằng đã nhìn thấy bố mình trúng đạn pháo ngay trong lễ mừng sinh nhật của ông ấy?", Chasovnikova đặt câu hỏi.
Khoảng 90.000 người vẫn ở Mariupol, so với dân số 500.000 trước xung đột. Nhiều người trong số họ đã quá già nên không thể chuyển tới nơi khác, hoặc không muốn bỏ nhà cửa ra đi.
"Người Ukraine rất gắn bó với tài sản của họ", Chasovnikova giải thích. "Một số người không muốn bỏ lại nhà cửa".
Với Korchma và những người khác đã chuyển đến Kiev, một con đường dài, gian nan và bất định đang chờ họ phía trước.
Dù nói rằng ông rất biết ơn về chỗ ở mà ông và gia đình đã nhận được ở thủ đô, Korchma vẫn mong mỏi ngày trở về quê hương. "Mục đích sống của tôi ở đó, chúng tôi đã xây dựng cuộc sống ở đó", ông nói. "Nhưng chúng tôi đã mất tất cả".
Vũ Hoàng (Theo Guardian)