Malaysia đã áp dụng tình trạng khẩn cấp từ tháng một khi Thủ tướng Muhyiddin Yassin tuyên bố rằng việc làm này là cần thiết nhằm kiềm chế dịch bệnh Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ trích động thái trên chỉ là cách để Thủ tướng bám víu quyền lực.
Tình trạng khẩn cấp cho phép chính phủ điều hành bằng sắc lệnh và đình chỉ quốc hội. Phe chỉ trích cáo buộc Thủ tướng Muhyiddin lợi dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 để tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và củng cố liên minh chính trị yếu kém của ông.
Bất chấp việc ban hành tình trạng khẩn cấp và thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt, tình hình dịch bệnh tại Malaysia vẫn tiếp tục xấu đi, khiến công chúng giận dữ.
Malaysia hôm nay ghi nhận 14.514 ca nhiễm mới, giảm so với mức kỷ lục 17.045 ca một ngày trước đó. Tuy nhiên, số ca tử vong được báo cáo là 207, cao nhất từ trước tới nay, đưa tổng số người chết vì Covid-19 lên 8.201.
Phát biểu tại một phiên họp quốc hội được triệu tập đặc biệt ngày 26/7, Thủ tướng Takiyuddin cho biết chính phủ sẽ không yêu cầu Quốc vương gia hạn tình trạng khẩn cấp.
Muhyiddin đồng thời bảo vệ cách mà chính phủ của ông ứng phó với Covid-19. "Chính phủ không bao giờ ngồi yên nhìn người dân chịu khổ sở. Chúng tôi đang hành động để cứu sống thêm nhiều mạng người", ông nói.
Malaysia là một quốc gia quân chủ lập hiến, trong đó nhà vua có vai trò chủ yếu về mặt nghi lễ, thực hiện các nhiệm vụ của mình dưới sự cố vấn từ thủ tướng và nội các. Tuy nhiên, quốc vương cũng có quyền quyết định xem có nên ban bố tình trạng khẩn cấp hay không.
Muhyiddin đã cầm quyền với thế đa số mỏng manh và dẫn dắt một liên minh không ổn định kể từ khi nhậm chức hồi tháng 3/2020.
Đảng Tổ chức Mã Lai Thống nhất (UMNO), đảng lớn nhất Malaysia và là đồng minh quan trọng của Thủ tướng Muhyiddin, hồi đầu tháng đã rút lại ủng hộ đối với ông.
Vũ Hoàng (Theo Channel News Asia)