Những người khác sống tại mái ấm thở phào nhẹ nhõm cho tới khi Coleman tuần trước quay trở lại với kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV tại bệnh viện Harlem.
Tại một mái ấm khác, Alphonso Syville, 45 tuổi, cho biết dù đã cố gắng thích nghi, ông vẫn cảm thấy bị làm phiền bởi những tiếng ho dai dẳng từ người đàn ông nằm cách mình vài mét.
Tại Delta Manor, một mái ấm cho người vô gia cư ở Bronx, Christian Cascone nhớ lại câu chuyện người bạn cùng phòng của anh tranh cãi với một người khác vì không chịu rửa tay và giữ vệ sinh cá nhân. "Anh ta nói những lời kiểu như 'Nếu Chúa chọn tôi phải chết, tôi sẽ chết'", Cascone, 37 tuổi, kể. "Bạn cùng phòng với tôi đáp 'Chúa cũng muốn tất cả những người còn lại trong chúng ta được khỏe mạnh'".
Trong khi hầu hết người dân New York đều ở yên trong nhà, cuộc khủng hoảng Covid-19 đang làm chao đảo các mái ấm cho người vô gia cư, một cộng đồng đông đúc lên tới 17.000 người, nơi mà cách biệt cộng đồng dường như là điều bất khả thi. Ký túc xá tại những mái ấm này là mảnh đất màu mỡ cho nCoV sinh sôi và lây lan với những chiếc giường kê san sát.
Một số phạm nhân được phóng thích từ nhà tù Rikers Island nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các cơ sở giam giữ đã tìm đến các mái ấm vô gia cư. Khi nhà vệ sinh công cộng đóng cửa, các bếp ăn từ thiện ngừng hoạt động vì thiếu thực phẩm và tình nguyện viên, những người vô gia cư vốn sống lay lắt trên đường phố buộc lòng phải tìm tới các mái ấm, khiến dân số ở đây tăng lên chóng mặt.
"Đây thực sự là một quả bom nổ chậm", Joshua Goldfein, luật sư tại Legal Aid Society, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho người yếu thế ở New York, nhận xét.
Tính đến 12/4, 371 người tại các mái ấm ở New York đã nhiễm nCoV, trong đó 23 người tử vong. Dù việc ngăn chặn hoàn toàn virus lây lan trong các mái ấm là bất khả thi, chính quyền đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu rủi ro.
Nhà chức trách đã thuê các phòng khách sạn, vốn trống rỗng vì vắng khách du lịch, với giá ít nhất 174 USD/đêm để làm nơi cách ly những người vô gia cư tại các mái ấm đã xuất hiện triệu chứng hay dương tính với nCoV hoặc tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Hôm 11/4, Thị trưởng New York Bill de Blasio thông báo tới cuối tháng, sẽ có thêm khoảng 2.500 cư dân từ các mái ấm được chuyển đi cách ly tại khách sạn dù họ có triệu chứng hay không.
Ủy viên dịch vụ xã hội Steven Banks cho biết thành phố cũng sẽ lắp đặt 24 trạm rửa tay và 36 nhà vệ sinh lưu động tại 12 địa điểm trên đường phố cho những người vô gia cư từ chối vào mái ấm.
Các mái ấm đang rút ngắn thời gian những bữa ăn và bãi bỏ quy định yêu cầu người dân phải rời khu ký túc xá trong thời gian làm vệ sinh nhằm hạn chế khả năng họ ra ngoài và mang virus trở về.
Đóng cửa các mái ấm nhằm ngăn virus lây lan không phải một lựa chọn. "Chúng tôi vẫn phải mở cửa bởi những nơi khác đã đóng cửa", Banks nói.
Theo giới chuyên gia, tính phân tán của các mái ấm cũng như việc những cư dân tại đây thường xuyên thay đổi khiến việc áp dụng các chính sách nhằm ngăn virus lây lan trở nên vô cùng khó khăn. Một số cư dân và những người làm việc tại các mái ấm cho hay nhiều biện pháp ngăn ngừa đã không được thực hiện hoặc bị phớt lờ.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với New York Times hồi cuối tuần trước, Coleman nói ông tin mình đã nhiễm nCoV tại mái ấm cho người vô gia cư. "Tôi ở giữa rất nhiều người ho, nôn ọe và hắt hơi", ông kể.
Coleman cho biết hiện tại, ông vui vì có phòng riêng, nơi ông nhận được chăm sóc y tế 24/7. "Nếu tôi cần chăm sóc y tế, tôi gọi họ và họ sẽ đưa cho tôi vài viên aspirin", ông nói. Hôm 12/4, Coleman được chuyển tới một khách sạn cách ly khác dành cho người lớn tuổi.
Stephen Mott, quản lý nhân sự tại HELP USA, tổ chức đang vận hành mái ấm Clarke Thomas, cho hay cơ sở của họ đang chịu áp lực rất lớn, song thừa nhận họ vẫn cần làm tốt hơn nữa. "Những thứ chúng tôi đã lơ là, giờ đây chúng tôi không thể lơ là nữa", ông nói.
Tại mái ấm Phố Catherine ở Hạ Manhattan, nơi 100 phụ nữ vô gia cư đang sinh sống, rất nhiều người không tuân thủ các khuyến cáo như rửa tay và giữ khoảng cách tối thiểu hai mét, một phụ nữ sống tại đây nói. Hành lang giữa các tầng hẹp đến nỗi họ chạm người vào nhau mỗi lần lên xuống. Ban quản lý mái ấm xếp hai ghế tại mỗi bàn ở canteen, nhưng nhiều người cố tình di chuyển ghế để họ có thể ngồi cùng nhau.
Derek Jackson, giám đốc ban hành pháp thuộc Teamsters Local 237, một công đoàn ở New York, cho biết thành phố hiện có khoảng 550 nhân viên làm việc tại các mái ấm cho người vô gia cư và tính tới đầu tuần trước, 26 người đã nhiễm nCoV. Trong một tuần qua, thêm 41 người dương tính với virus.
Theo ông, thành phố đang rất chậm chạp trong việc cung cấp khẩu trang, găng tay cùng những trang bị bảo hộ khác cho những người làm việc tại các trung tâm lưu trú của người vô gia cư.
Opportunity House, một mái ấm từ thiện ở Brooklyn, hiện có rất nhiều người lớn tuổi gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Camba, tổ chức phi lợi nhuận đang điều hành cơ sở trên, cho biết họ đang tích cực thực hiện các biện pháp để bảo vệ cư dân. "Chúng tôi hiểu nỗi lo âu mà mọi người đang trải qua", Camba viết trong một thông báo.
David Gaynor, người sống tại mái ấm Opportunity House, kể từng có một người ở đây không biết tiếng Anh và đã gặp không ít khó khăn khi mô tả những triệu chứng mình mắc phải.
Các nhân viên chỉ hành động khi chứng kiến ông quỳ gập dưới nền nhà và nói thều thào hai từ "Xe cứu thương, bệnh viện".
"Mọi người lúc đó mới hiểu ông ấy đã bị bệnh", Gaynor nhớ lại.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)