Quan chức cấp cao Ukraine giấu tên hôm 12/8 cho biết khóa đào tạo vận hành tiêm kích F-16 cho nhóm phi công đầu tiên của nước này sẽ không thể kết thúc trước mùa hè năm 2024. Đây được coi là nỗi thất vọng lớn với Ukraine, nước từng hy vọng những tiêm kích F-16 đầu tiên có thể tham chiến ngay từ tháng 9 để hỗ trợ chiến dịch phản công.
Sau nhiều do dự, Tổng thống Mỹ Joe Biden từ hồi tháng 5 ủng hộ các quốc gia châu Âu viện trợ cho Kiev loại chiến đấu cơ này. Đan Mạch và Hà Lan đang dẫn đầu liên minh 11 quốc gia hỗ trợ đào tạo phi công F-16 cho Ukraine.
Hai quan chức Ukraine cho biết chỉ 6 phi công, tương đương một nửa trung đoàn không quân, đủ điều kiện tham gia khóa huấn luyện vận hành F-16. Hai phi công khác sẽ đóng vai trò dự bị, sẵn sàng lấp chỗ trống nếu có người không thể theo học.
6 phi công Ukraine này thông thạo tiếng Anh, nhưng vẫn phải đến Anh học tiếng thêm 4 tháng để làm quen với những thuật ngữ liên quan đến máy bay. Khóa học này cũng bao gồm các kỹ thuật viên mặt đất người Ukraine, bởi Đan Mạch muốn huấn luyện toàn bộ đội ngũ vận hành và bảo dưỡng phi cơ, thay vì chỉ đào tạo phi công đơn lẻ.
Điều này khiến khóa huấn luyện vận hành F-16 cho phi công Ukraine, dự kiến kéo dài tối thiểu 6 tháng, sẽ không thể bắt đầu trước tháng 1/2024. Nhóm phi công thứ hai cũng chỉ có thể bắt đầu đào tạo từ cuối năm 2024.
"Tiến trình đang bị kéo dài", một quan chức Ukraine nói. Cả hai quan chức đều ngần ngại chỉ trích Washington và đồng minh châu Âu, cho rằng động thái này khiến Kiev có vẻ "vô ơn".
Giới chức Mỹ cho rằng sự chậm trễ bắt nguồn một phần từ Ukraine, khi nước này tới gần đây mới cung cấp danh sách phi công sẵn sàng tham gia huấn luyện. "Chỉ 8 trong 32 ứng viên vượt qua được bài kiểm tra ngoại ngữ, số còn lại sẽ phải học thêm. Chúng tôi sẵn sàng chào đón thêm người nếu Ukraine có thể tập hợp họ", một quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Các quan chức Mỹ cho biết thêm rằng hầu hết phi công giỏi nhất của Ukraine dự kiến ở lại đất nước, nơi họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên các tiêm kích do Liên Xô phát triển, được chỉnh sửa để có thể khai hỏa tên lửa Storm Shadow do Anh - Pháp sản xuất.
Một lý do khác khiến quá trình chuyển giao F-16 bị trì hoãn là bất đồng trong quan điểm giữa Ukraine và phương Tây về vai trò của loại tiêm kích này.
Kiev muốn nhận tiêm kích F-16 càng sớm càng tốt bởi cho rằng đây là khí tài quan trọng nhằm đối phó ưu thế của không quân Nga và có thể thay đổi cục diện chiến trường trong ngắn hạn.
Trong khi đó, Washington mô tả F-16 là công cụ quan trọng với quá trình biến đổi quân đội Ukraine thành lực lượng có khả năng răn đe Moskva trong tương lai. Họ tin rằng tiêm kích này sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến lược quốc phòng dài hạn của Ukraine, nên không thể chuyển giao một cách vội vã.
"F-16 thể hiện cam kết dài hạn của Mỹ với Ukraine. Nó không phải vũ khí liên quan đến cuộc phản công hiện nay", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho hay.
Thách thức thứ ba với phương Tây trong nỗ lực cung cấp F-16 cho Ukraine là thiếu huấn luyện viên đủ trình độ và kinh nghiệm để đào tạo cho các phi công Ukraine.
Hà Lan, quốc gia chủ chốt trong kế hoạch huấn luyện, cho hay không quân của họ và nhiều nước châu Âu đang chuyển đổi từ F-16 sang tiêm kích tàng hình F-35, nên không có nhiều phi công giàu kinh nghiệm có thể làm huấn luyện viên.
"Chúng tôi cần phi công chiến đấu để huấn luyện phi công chiến đấu. Đây là lực lượng đắt giá và rất khan hiếm với những quốc gia nhỏ trong liên minh", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hà Lan Mark van de Beek cho hay.
Quá trình đào tạo vận hành F-16 cho phi công dày dạn kinh nghiệm của Ukraine có thể mất 6 tháng, trong khi các học viên non trẻ có thể cần tối thiểu hai năm huấn luyện, khiến quá trình không thể diễn ra nhanh chóng như những gì Kiev kỳ vọng.
"Chúng ta luôn kịp thời viện trợ những gì Ukraine cần, nhưng việc cung cấp F-16 có thể diễn ra quá muộn", Michael Clarke, giáo sư ngành nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Hoàng gia London, nhận xét.
Vũ Anh (Theo Washington Post)