Tòa án Tối cao Mỹ ngày 9/1 bác kiến nghị của Tổng thống đắc cử Donald Trump về hoãn phiên tòa hình sự Manhattan, New York, tuyên án ông trong vụ truy tố với cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016. Đây là một trong 4 vụ truy tố mà ông Trump phải đối mặt kể từ năm 2023, trong đó có hai vụ cấp liên bang ở Washington và Florida.
Tòa án Tối cao tháng 7/2024 từng phán quyết ông Trump được hưởng quyền miễn trừ với các hành động công vụ. Phán quyết được coi là thắng lợi với phía Tổng thống đắc cử, khiến công tố viên đặc biệt phụ trách hai vụ truy tố ở Washington và Florida phải rà soát lại cáo trạng.
Nhưng lần này, đa số thẩm phán Tòa án Tối cao đã không chọn đứng về phía ông Trump, khiến Tổng thống đắc cử bị tòa New York tuyên án chỉ 10 ngày trước khi nhậm chức. Theo giới quan sát, có hai lý do chính khiến Tòa án Tối cao quyết định không can thiệp vào bê bối pháp lý của ông Trump ở New York.
"Thứ nhất, ông Trump có thể kháng cáo phán quyết theo quy trình thông thường. Ông Trump vẫn có đầy đủ các lựa chọn trong hệ thống tòa án New York", Mark Joseph Stern, cây viết mảng luật của Slate, bình luận. "Thứ hai, tác động từ phán quyết đến công việc hiện tại của Tổng thống đắc cử là tối thiểu".
Tòa án Tối cao gồm 9 thẩm phán. 6 người có xu hướng bảo thủ, được đề cử và bổ nhiệm dưới thời các tổng thống thuộc đảng Cộng hòa. Ba người còn lại theo khuynh hướng tự do, được bổ nhiệm dưới thời các tổng thống thuộc đảng Dân chủ.
Khi nhận được kiến nghị hoãn phiên tòa của ông Trump, hai thẩm phán bảo thủ là Chánh án John Roberts và Amy Coney Barrett đã đứng về phía ba thẩm phán tự do Sonia Sotomayor, Elena Kagan và Ketanji Brown Jackson để bỏ phiếu phản đối. 4 phiếu thuận đến từ thẩm phán bảo thủ Clarence Thomas, Samuel Alito, Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh.
5 thẩm phán phản đối nhấn mạnh quan điểm của họ chủ yếu dựa trên việc tác động từ phiên tòa tuyên án ở New York đến ông Trump là rất thấp. Ông Trump được phép dự buổi tuyên án theo hình thức trực tuyến và chỉ mất vài phút, không ảnh hưởng đến những việc ông đang thực hiện.
Thẩm phán xét xử Juan Merchan trước đó cho biết ông không muốn tuyên án tù đối với ông Trump, chỉ đưa ra bản án nhẹ. Giới học giả về luật hiến pháp cũng cho rằng ngay cả khi ông Merchan tuyên án tù với ông Trump, bản án cũng chỉ ở mức tối thiểu và sẽ hoãn thi hành cho đến khi ông hết nhiệm kỳ hai, do đó, không ảnh hưởng đến công việc tổng thống.
Theo ông Stern, phán quyết của Tòa án Tối cao theo nhiều cách có thể coi là "thất bại lớn với ông Trump". 6 thẩm phán bảo thủ của cơ quan này từng ủng hộ ông trong phán quyết về quyền miễn tố hồi tháng 7, nhưng lần này ông Roberts và bà Barrett đã thay đổi quan điểm.
"Có giả thiết cho rằng Roberts là chánh án có quan điểm thay đổi tùy theo ai là ông chủ Nhà Trắng. Khi ông Joe Biden là Tổng thống, Roberts nghiêng nhiều hơn về cánh hữu. Có thể khi ông Trump sắp nhậm chức, Roberts nghiêng dần về trung dung", theo Stern.
Động thái của ông Trump còn được coi là phép thử ban đầu với các thẩm phán Tòa án Tối cao, giáo sư luật Stephen Vladeck, Trung tâm Luật Đại học Georgetown, Washington, nói với USA Today.
Đây là những người khả năng cao phải giải quyết các thách thức pháp lý phát sinh trong nhiệm kỳ hai của ông Trump. Loạt chính sách mà Tổng thống đắc cử ấp ủ về vấn đề nhập cư và công chức liên bang dự kiến gây nhiều tranh cãi khi triển khai.
"Cuộc biểu quyết về kiến nghị hoãn phiên tuyên án của ông Trump là cơ hội để Tòa án Tối cao thể hiện sự độc lập của mình, khi mà đảng Cộng hòa sắp kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn lưỡng viện quốc hội", theo ông Vladeck.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Tòa án Tối cao từng thu hồi một đạo luật ngăn trục xuất người nhập cư không giấy tờ. Gần đây, cơ quan này đưa ra phán quyết có lợi cho ông Trump, gồm về quyền miễn tố của tổng thống và bác nỗ lực của bang Colorado nhằm loại ông khỏi phiếu bầu tổng thống.
"Chúng tôi không có thẩm phán của Obama, của Trump, của Bush hay của Clinton", chánh án Roberts nói hồi năm 2018, nhắc đến các đời tổng thống bổ nhiệm 9 thẩm phán hiện tại. "Điều chúng ta có là nhóm thẩm phán tận tụy phi thường, nỗ lực hết mình để đảm bảo bình đẳng cho bị cáo. Chúng ta nên biết ơn hệ thống tư pháp độc lập".
Sau khi được Tòa án Tối cao "mở đường", thẩm phán Merchan ngày 10/1 tuyên án "miễn hình phạt vô điều kiện", tức là ông Trump sẽ không phải ngồi tù, bị quản chế hay chịu bất kỳ khoản tiền phạt nào, nhưng bị lưu hồ sơ là "có tội". Ông Trump sẽ là người mắc trọng tội và bị kết án đầu tiên trở thành tổng thống Mỹ khi nhậm chức ngày 20/1.
Mặc dù không phải chịu bất cứ hình phạt nào, Tổng thống đắc cử vẫn bày tỏ bất bình, gọi phiên tòa là "trò hề đáng khinh" và nhấn mạnh "cần hủy bỏ hoàn toàn vụ án", cho thấy ông khả năng cao sẽ kháng cáo.
Với phán quyết ngày 9/1, Tòa án Tối cao giờ đây tránh được kịch bản các thẩm phán phải trực tiếp can thiệp và phân xử phiên tòa ở New York. Thay vào đó, phía ông Trump sẽ phải kháng cáo theo đúng quy trình, qua tòa phúc thẩm Manhattan rồi đến tòa án tối cao bang New York ở thành phố thủ phủ Albany. Quá trình kháng cáo có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí vài năm.
Như Tâm (Theo Slate, WP, USA Today)