Các đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm tàu lặn Titan chở 5 người mất tích ở Đại Tây Dương từ ngày 18/6. Lực lượng Tuần duyên Mỹ đang triển khai thêm phương tiện có khả năng phát hiện vật thể dưới đáy biển để tìm kiếm con tàu, nhưng ước tính những người bên trong chỉ còn dưỡng khí cho khoảng 20 giờ.
Tàu Titan thuộc sở hữu của OceanGate, công ty tàu lặn tư nhân chuyên cung cấp các chuyến tham quan xác tàu Titanic với giá 250.000 USD mỗi người. Tàu Titan bắt đầu hành trình vào sáng 18/6, nhưng mất liên lạc với tàu mẹ Polar Prince sau khoảng 1 giờ 45 phút.
Các chuyên gia đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến Titan mất tích, từ việc nó bị vướng vào mảnh vỡ của Titanic, bị mất nguồn điện cho đến hệ thống liên lạc gặp vấn đề. Tuy nhiên, sự cố khiến nhiều người đặt câu hỏi về thiết kế và các tính năng an toàn của tàu Titan.
Tàu lặn Titan được làm từ sợi carbon và titan, theo OceanGate. Với kích thước 6,7 m x 2,8 m x 2,5 m, Titan được thiết kế để chở một người lái và 4 hành khách. Tàu nặng 10.432 kg, có thể di chuyển ở tốc độ tối đa 5,556 km/h và lặn xuống độ sâu 4.000 m.
Tàu không có hệ thống lái chuyên biệt, mà được điều khiển bằng tay cầm PlayStation. Để liên lạc với tàu mẹ, Titan gửi tin nhắn thông qua hệ thống định vị thủy âm (USBL).
Titan không trang bị ghế, nên hành khách phải ngồi khoanh chân trên sàn, theo dõi mọi thứ xung quanh qua màn hình kỹ thuật số kết nối với các camera 4K ở bên ngoài, bên cạnh một cửa sổ nhỏ ở trước mũi.
Tàu chỉ có một toilet thô sơ gồm túi nhựa và chai. Thông tin đăng tải trên trang web của OceanGate khuyến nghị hành khách nên hạn chế ăn uống trước và trong khi tàu lặn để tránh phải sử dụng toilet.
Sau khi nghe tin tàu lặn mất tích, David Pogue, phóng viên CBS, cho biết tàu lặn của OceanGate mà ông từng đi không có máy phát định vị khẩn cấp (ELT). Thiết bị này thường được mang trên máy bay và tàu biển để phát tín hiệu giúp nhân viên cứu hộ xác định vị trí trong trường hợp khẩn cấp.
Đây là thiết bị cơ bản và thiết yếu đến nỗi nó khiến nhiều người đặt câu hỏi về mức độ an toàn của tàu Titan. Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush sau đó bác bỏ nghi ngại, nói rằng họ có giới hạn về số biện pháp an toàn mà các tàu lặn nên có.
"Đôi khi, an toàn chỉ là thừa thãi. Ý tôi là nếu bạn muốn an toàn, đừng rời khỏi giường, đừng leo lên ôtô hay làm bất kỳ điều gì. Bạn đôi lúc phải chấp nhận một số rủi ro để đổi lấy phần thưởng. Tôi nghĩ tôi có thể phá vỡ quy tắc theo một cách an toàn", ông Rush nói.
Ông Rush là một trong số 5 hành khách đang mắc kẹt trong con tàu mất tích. Ông là nhà sáng lập và thành viên hội đồng tín thác của tổ chức phi lợi nhuận OceanGate Foundation, hoạt động với mục tiêu thúc đẩy công nghệ hàng hải mới nổi để khám phá hơn nữa khoa học, lịch sử và khảo cổ học biển.
Trước mỗi chuyến tham quan xác Titanic bằng tàu Titan, hành khách đều được thông báo về các nguy cơ tiềm ẩn. Mike Reiss, người tham gia chuyến tham quan trên tàu Titan vào năm ngoái, cho hay "bạn phải ký cam kết tự chịu trách nhiệm nếu tử vong". Reiss thêm rằng ông đã tham gia tour tham quan của OceanGate và hầu như lần nào tàu cũng mất liên lạc.
Tuy nhiên, đây không phải là tiết lộ đáng lo ngại duy nhất về các công nghệ trên tàu lặn Titan. Vào tháng 3/2018, Hiệp hội Công nghệ Hàng hải đã gửi thư cho ông Rush để cảnh báo về phương pháp thử nghiệm hiện tại của công ty trong chế tạo tàu lặn có thể dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng.
"Chúng tôi khuyến nghị rằng ít nhất công ty nên thiết lập chương trình thử nghiệm nguyên mẫu được tổ chức chứng nhận DNV-GL của Na Uy xem xét và đánh giá", thư có đoạn.
Hãng OceanGate đầu năm 2018 sa thải giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải David Lochridge sau khi ông nêu lo ngại về độ an toàn của tàu lặn Titan và từ chối phê chuẩn các chuyến đi thử nghiệm chở người. Trong vụ kiện tại bang Washington cách đây 5 năm, OceanGate cáo buộc Lochridge vi phạm thỏa thuận bảo mật khi tiết lộ các thông tin bí mật và độc quyền của công ty.
Cựu giám đốc đã bày tỏ lo ngại khi OceanGate từ chối thực hiện bài kiểm tra không phá hủy đối với thiết kế thân tàu, phương pháp nhằm tìm lỗi bên trong hoặc ngoài thân vỏ mà không gây tổn hại đến Titan. Trong đơn phản tố, Lochridge cho biết thiết kế cửa sổ quan sát của tàu lặn chỉ chịu được áp suất cho phép ở độ sâu 1.300 mét, song Ocean đã lên kế hoạch đưa khách xuống độ sâu 4.000 mét.
Lochridge đề nghị OceanGate đánh giá độ an toàn của tàu Titan thông qua cơ quan chuyên môn của Mỹ.
Gần một năm sau, OceanGate đã lên tiếng giải thích nguyên nhân họ không tiến hành đánh giá an toàn với tàu Titan. Công ty thừa nhận việc đánh giá đảm bảo con tàu "đáp ứng tiêu chuẩn về thiết kế, chế tạo và giám sát", nhưng tuyên bố "lỗi vận hành" là lý do gây ra phần lớn tai nạn.
Ngoài ra, OceanGate cũng lo ngại quá trình đánh giá có thể làm chậm tiến độ phát triển và trở thành rào cản cho sự sáng tạo của một dự án thử nghiệm như Titan.
Không rõ liệu Titan có nhận được chứng nhận an toàn nào sau đó hay không, nhưng phóng viên Pogue của CBS cho biết thỏa thuận mà họ ký trước chuyến tham quan hồi năm ngoái nêu rõ "con tàu thử nghiệm chưa được phê duyệt hoặc chứng nhận bởi bất kỳ cơ quan nào".
Để bảo vệ quyết định không đánh giá an toàn với Titan, công ty OceanGate nhấn mạnh họ đã có những đổi mới về an toàn của tàu, gồm bình chịu lực bằng sợi carbon và hệ thống giám sát tình trạng thân tàu theo thời gian thực.
OceanGate cho hay Titan "sử dụng sáng tạo các vật liệu hiện đại, giúp tàu nhẹ hơn, tiết kiệm chi phí vận hành hơn bất cứ tàu lặn biển sâu nào khác". Công ty này cũng cho rằng việc kết hợp kỹ thuật cơ khí mang tính đột phá và các công nghệ tiên tiến giúp Titan "sở hữu lợi thế độc nhất vô nhị".
Trong cuộc phỏng vấn với Guardian vào cuối năm 2022, giám đốc Rush cho biết tàu Titan được chế tạo đặc biệt để tiếp cận và quan sát tàu Titanic. "Tàu lặn của chúng tôi chỉ nặng khoảng một nửa so với các loại tàu lặn sâu khác hay tàu nghiên cứu dưới nước. Vì nhỏ nhẹ hơn, nó cơ động hơn nhiều. Do đó, chúng tôi có thể tiếp cận rất gần xác tàu Titanic", ông nói.
Song với những tiết lộ về tính an toàn của tàu Titan, nhiều người thắc mắc tại sao một tàu lặn thử nghiệm như vậy được phép chở người xuống độ sâu gần 4.000 m. "OceanGate dường như đã tận dụng lỗ hổng về pháp lý, đó là không có quy định ràng buộc với các tàu lặn thử nghiệm hoạt động ở vùng biển quốc tế", Justin Rohrlich, nhà phân tích của Daily Beast, viết.
Vì xác tàu Titanic nằm trong vùng biển quốc tế ở Đại Tây Dương, không có luật nào yêu cầu các công ty như OceanGate phải tuân thủ quy định về thám hiểm bằng tàu lặn. Rohrlich cho rằng đó là lý do khiến tàu lặn thử nghiệm của OceanGate không phải trải qua bất kỳ đánh giá hoặc phê duyệt từ các cơ quan quản lý.
"Công ty này không bao giờ đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế vì nó vừa là dự án sáng tạo vừa mang tính thử nghiệm", Walt Hendrick, cựu điều phối viên an toàn cho Chương trình huấn luyện thợ lặn mũ nồi xanh của quân đội Mỹ, nói.
"Nó không có đèn hiệu để thông báo cho lực lượng Tuần duyên biết vị trí. Tàu có khả năng tự nổi lên mặt nước, song thiết bị tự nổi này sẽ không hoạt động nếu hệ thống điện trên tàu gặp sự cố", ông nói thêm.
Giới quan sát cho rằng tàu Titan có một số điểm tương đồng với tàu Titanic bị đắm năm 1912. Titanic cũng là con tàu thủ nghiệm được cho là kỳ quan công nghệ và kỹ thuật vào thời điểm đó. Nhiều hành khách trên tàu là những người giàu muốn mua vé để thực hiện cuộc hành trình vượt Đại Tây Dương. Tuy nhiên, con tàu được cho là "không thể chìm" vào thời điểm đó cũng thiếu các thiết bị an toàn cơ bản, dẫn tới cái chết của hơn 1.500 người khi nó đâm phải tảng băng trôi.
"Đó là bài học nghiệt ngã nhưng đáng ghi nhớ. Lịch sử có thể không lặp lại, nhưng đôi lúc sẽ có những điểm tương đồng", Rohrlich cho hay.
Thanh Tâm (Theo Daily Beast, Guardian, CNN)