Tại Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Techconnect and Innovation Viet Nam 2023 ngày 29-30/9 tại Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Quyền chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo quy hoạch, tỉnh có định hướng chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh".
Quảng Ninh vốn là địa phương có nhiều tiềm năng về năng lượng, thậm chí được xác định là khu công nghiệp khai thác mỏ đầu tiên của Việt Nam. Từ những năm thế kỷ 19, tỉnh đã trở thành điểm khai thác than trọng yếu, đến nay sản lượng khai thác chiếm 90-95% cả nước, với số lượng công nhân ngành than lên đến 10 vạn người, có thời điểm tới 40 vạn người, chiếm 30% dân số toàn tỉnh.
Ngành năng lượng Quảng Ninh từ ngành than phát triển ra nhiều năng lượng khác, đặc biệt là nhiệt điện. Hiện tỉnh có 7 nhà máy nhiệt điện, chiếm 17% tổng sản lượng điện toàn quốc. Đầu năm nay, khi thủy điện khó khăn, địa phương đã đẩy mạnh huy động nhiệt điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là cho các tỉnh phía Bắc.
Những đóng góp của ngành công nghiệp đã đưa Quảng Ninh trong nhiều năm nằm trong top những tỉnh miền núi phía Bắc có tốc độ phát triển tốt. Trong đó, khai thác than, khoáng sản đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, đây lại là ngành có tài nguyên hữu hạn, dần tiến đến cạn kiệt; đi cùng những mặt tích cực, theo thời gian, những tác động xấu từ mô hình tăng trưởng "nâu" ngày càng thể hiện rõ hơn.
Vì vậy, để giảm dần sự lệ thuộc vào tài nguyên khoáng sản, gây tác động lớn đến môi trường, tỉnh đang tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế để phát triển công nghiệp xanh, tăng tỷ trọng các ngành chế biến chế tạo. Theo ông Cao Tường Huy, hiện tỉnh nâng dần tỷ lệ trong công nghiệp chế biến chế tạo từ 9,8% năm 2020 lên 12% vào năm 2022, bình quân tăng trưởng 24% một năm.
Trong hoạt động thu hút FDI, tỉnh cũng chú trọng ưu tiên công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên khoáng sản. Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD, hiện đã đạt 850 triệu USD đến từ các doanh nghiệp thuộc hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, dự kiến cuối năm đạt 1,2-1,3 tỷ USD.
Với sự đóng góp lớn của ngành năng lượng và đặc biệt là các ngành công nghiệp chế tạo, tỉnh dự kiến năm nay sẽ tăng trưởng GDP trên 10%, nối dài mạch 7 năm liên tiếp tăng trưởng hai con số.
"Những giải pháp được đưa ra tại sự kiện là những kiến thức quý báu để Quảng Ninh tiếp thu, hỗ trợ tỉnh phát triển kinh tế tuần hoàn, đạt mục tiêu tăng trưởng từ nâu sang xanh", ông Cao Tường Huy nói thêm.
Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect & Innovation Vietnam 2023) có chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững". Sự kiện năm nay do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân Quảng Ninh chỉ đạo, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh là đơn vị tổ chức.
Chương trình diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/9, được thiết kế với các hoạt động gồm các diễn đàn, hội nghị trao đổi thông tin về chủ đề kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình diễn sản phẩm và tiêu điểm công nghệ, kết nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu.
Nguyễn Phượng