Những đảng viên Cộng hòa chỉ trích cựu tổng thống Donald Trump đã bối rối khi Phó tổng thống Kamala Harris chọn Thống đốc Minnesota Tim Walz làm bạn đồng hành tranh cử.
Theo họ, Walz hoàn toàn ở "cửa dưới" so với những ứng viên tiềm năng khác mà bà Harris có thể chọn cho vị trí phó tướng. Họ cho rằng những chính sách thiên về tự do mà ông ban hành trong thời gian làm thống đốc Minnesota, cùng với xuất thân bình dân của Walz khiến ông trở nên yếu thế trước đối thủ JD Vance, phó tướng của Trump.
Những yếu tố này có thể trở thành "nguồn nhiên liệu" quý giá để đảng Cộng hòa công kích ông. Trump và các thành viên Cộng hòa ủng hộ ông dường như cũng có chung suy nghĩ đó và bày tỏ "phấn khích" với lựa chọn của bà Harris.
Vài tiếng sau khi bà Harris tuyên bố chọn ông Walz, cựu tổng thống Trump cập nhật dòng trạng thái trên tài khoản mạng xã hội Truth Social với hai từ: "Cảm ơn!".
Nhưng hơn hai tuần sau, khi Walz bước lên sân khấu đại hội toàn quốc đảng Dân chủ để chấp nhận đề cử ứng viên phó tổng thống vào tối 21/8, niềm phấn khích đó của Trump và các thành viên đảng Cộng hòa đã tan biến.
Trong những ngày qua, phe Cộng hòa công kích Walz thậm chí còn quyết liệt hơn cả Harris, song cuối cùng, Thống đốc Minessota vẫn là một "phó tướng" được yêu thích. Ông thậm chí còn nhận được thiện cảm nhiều hơn đáng kể so với Vance.
Bài phát biểu của Walz tại đại hội đảng Dân chủ, trong đó có khoảnh khắc chạm tới trái tim khi con trai ông, Gus, chỉ tay về phía ông và nói "Đó là bố tôi!", đã được đón nhận nồng nhiệt. Theo giới quan sát, nó đã góp phần tập hợp các thành viên đảng Dân chủ xung quanh một lựa chọn mà nhiều người trước đó còn chưa chắc chắn.
Ngày 21/8, Trump cùng 50 nghị sĩ đảng Cộng hòa cùng ký vào một lá thư vận động tranh cử chỉ trích quãng thời gian Thống đốc Minnesota phục vụ trong quân đội.
Họ cho rằng Walz từng phục vụ trong Vệ binh Quốc gia Minnesota 24 năm nhưng quyết định về hưu ngay trước khi đơn vị được điều động đến tham chiến ở Iraq. Không có bằng chứng nào cho thấy Walz đã tính toán thời gian rời lực lượng để tránh bị triển khai ra chiến trường, nhưng đó vẫn là cái cớ để phe Cộng hòa chỉ trích.
Họ còn tung ra các đòn công kích nhắm vào việc gia đình Walz sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để điều trị vô sinh, điều không được những người bảo thủ chấp nhận, hay việc ông bị bắt do lái xe say rượu vào năm 1990.
Dù liên tiếp hứng mũi dùi công kích từ đảng Cộng hòa, con đường của Walz đến nay vẫn thuận lợi, khiến không ít người đặt câu hỏi tại sao và động lực thúc đẩy ông là gì.
Một cuộc thăm dò do AP-NORC thực hiện hồi tuần trước cho thấy 36% người Mỹ thích Thống đốc Walz so với 25% người ghét ông. Trong khi đó, tỷ lệ yêu - ghét đối với ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa Vance là 27-44%.
Cuộc thăm dò do Washington Post/ABC News/Ipsos công bố cho thấy cách biệt yêu - ghét không quá rõ rệt nhưng vẫn là khoảng cách lớn khi Walz có 9 điểm tích cực (tỷ lệ thích lớn hơn tỷ lệ ghét) còn Vance nhận về 10 điểm tiêu cực (tỷ lệ thích thấp hơn tỷ lệ ghét).
Các cuộc thăm dò khác không cho thấy nhiều tín hiệu khả quan cho Walz, nhưng ông chưa từng bị tụt hậu so với đối thủ.
Những con số trên đặt ra câu hỏi liệu công chúng Mỹ bị tác động đến đâu bởi các đòn công kích mà phe Cộng hòa nhắm vào Walz. Trong khi đó, tỷ lệ tiêu cực đối với Vance dường như cho thấy nhiều người Mỹ sẵn sàng chỉ trích ứng viên phó tổng thống Cộng hòa hơn vì những điều họ nghe được, bình luận viên Aaron Blake từ Washington Post đánh giá.
"Phần lớn vấn đề đối với đảng Cộng hòa có vẻ như là họ đang ném đá từ một ngôi nhà kính", ông nói.
Nhận thức của cử tri về đạo đức và nguyên tắc tuân thủ sự thật trong các cuộc bầu cử đã thay đổi từ cách đây 9 năm, khi Trump đưa ra hàng chục nghìn tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm xuyên suốt chiến dịch tranh cử.
Kể từ đó, dường như cử tri Mỹ ngày càng tin rằng tất cả các chính trị gia đều thổi phồng lý lịch của họ ở một mức độ nhất định và những sai lầm hay va vấp mà Thống đốc Walz phạm phải là tương đối nhỏ với họ, khiến phe Cộng hòa gần như không còn "nguyên liệu" để công kích ông.
Nhiều mối hoài nghi hiện tập trung vào việc Walz đã làm gì khi ông có thể theo đuổi chương trình nghị sự tiến bộ hơn với tư cách thống đốc một bang thiên về Dân chủ, và các hoạt động chính trị trên phạm vi toàn quốc của ông không nổi bật như các ứng viên phó tổng thống gần đây nhất, Blake nhận xét.
"Nhưng những chính trị gia tài năng nhất có thể thay đổi khi họ cần và trở thành những gì cử tri và đảng của họ cần ở một thời điểm nhất định. Cho đến nay, ông dường như đã vượt qua được các bài kiểm tra", ông bình luận.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)