Vào tháng 11, hàng trăm triệu người Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống để quyết định người sẽ chèo lái đất nước trong bốn năm tiếp theo. Song cuộc đua đến Nhà Trắng đã thực sự bắt đầu với vòng bầu cử sơ bộ ở Iowa.
Để lựa chọn ứng viên ra tranh cử, các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ phải tổ chức bỏ phiếu ở các bang, theo hình thức họp kín hoặc bầu cử sơ bộ. Trong bầu cử sơ bộ, cử tri bỏ phiếu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện vào ngày ấn định để chọn ứng viên, còn hình thức họp kín yêu cầu họ phải trực tiếp đến bỏ phiếu. Bầu cử sơ bộ sẽ do bang điều hành, trong khi họp kín do các đảng tự tổ chức.
Các cuộc họp kín được tổ chức tại trường học, trung tâm cộng đồng và nhà thờ trên toàn bang, trong đó cử tri lắng nghe phát biểu ngắn của người đại diện cho ứng viên tranh cử, trước khi bỏ phiếu bầu cho ứng viên họ chọn.
Iowa là bang nổ "phát súng đầu tiên" cho cuộc đua, khi đảng Cộng hòa tổ chức họp kín ngày 15/1 để các đảng viên lựa chọn ứng viên mà mình yêu thích. Đây là truyền thống được bang này duy trì từ năm 1972, được coi như một bài kiểm tra về cách các ứng viên giành chiến thắng trong chiến dịch tranh cử.
Thông lệ này bắt nguồn từ bối cảnh hỗn loạn ở Mỹ cuối những năm 1960, thời điểm đảng Dân chủ chia rẽ sâu sắc vì phong trào phản đối cuộc chiến ở Việt Nam. Vụ ám sát Robert F. Kennedy, người được kỳ vọng giúp đoàn kết đảng Dân chủ sau khi chiến thắng cuộc bầu cử sơ bộ ở California, càng khiến nội tình của đảng trở nên rối ren, khi nhiều tranh cãi về ứng viên nổ ra ngay trước thềm đại hội toàn quốc của đảng ở Chicago vào tháng 8/1968.
Thời kỳ đó, các đại hội toàn quốc phần lớn do các lãnh đạo bang và đảng kiểm soát. Họ tự lựa chọn đại biểu tham dự đại hội và thậm chí bị cáo buộc dùng tiền bạc, quyền lực để tăng ủng hộ cho ứng viên mình yêu thích.
Phần lớn các cuộc họp kín, bầu cử sơ bộ ở các bang thời kỳ đó chỉ mang tính hình thức, khi "cho ứng viên cơ hội tiếp xúc cử tri nhưng không giúp mang lại ảnh hưởng chính trị", nhà sử học John Skipper từng viết trong cuốn sách Họp kín Iowa: Bài kiểm tra đầu tiên cho khát vọng tranh cử tổng thống.
Thượng nghị sĩ Eugene McCarthy, người chỉ trích gay gắt cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, tham gia cuộc đua quá muộn để có thời gian tranh cử tại vòng bầu cử sơ bộ. Những người ủng hộ McCarthy cáo buộc phe chính thống trong đảng Dân chủ cố tình gạt họ khỏi đại hội toàn quốc.
Các cuộc tuần hành ủng hộ McCarthy nổ ra dưới sự lãnh đạo của các nhà hoạt động trẻ tuổi. Humphrey cuối cùng giành được đề cử của đảng với sự ủng hộ từ các đại biểu là phụ nữ, người da màu hoặc dưới 30 tuổi. Tuy nhiên, ông đã bị đánh bại trong cuộc đối đầu cuối cùng với ứng viên Cộng hòa Richard Nixon.
Đảng Dân chủ xem thất bại của Humphrey là do thiếu ủng hộ từ các khối cử tri quan trọng trong đảng và không muốn lặp lại sai lầm đó. Họ sau đó thành lập nhóm cải cách quy trình đề cử của đảng trước cuộc bầu cử năm 1972.
"Một trong những điều đảng muốn làm là dân chủ hóa quá trình để đảm bảo nhiều người trẻ tuổi và da màu được tham gia", Rachel Paine Caufield, giám đốc dự án Iowa Caucus kiêm giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Drake ở Mỹ, nói.
Nhóm cải cách xác định rằng "các lãnh đạo đảng không thể tự chọn đại biểu dự đại hội", các bang không thể gian lận quy tắc để chặn những cử tri Dân chủ đã đăng ký tham gia bầu cử. Họ cho rằng các bang nên tạo hệ thống bầu cử sơ bộ mới hoặc các cuộc họp kín của đảng ở địa phương để xác định đại biểu dự đại hội toàn quốc.
Trong khi những cải cách này thúc đẩy nhiều bang thiết lập quy định tổ chức bầu cử sơ bộ, bang Iowa vẫn giữ nguyên hình thức họp kín và đảng Dân chủ chấp nhận hình thức này với một số sửa đổi để khiến chúng trở nên bao trùm hơn. Chúng bao gồm thiết lập quy trình họp kín 4 bước để tăng tối đa vai trò của cử tri địa phương gồm: bầu đại biểu khu vực, bầu đại biểu hạt, bầu đại biểu bang và cuối cùng cử họ tham gia đại hội toàn quốc.
Họ cũng thông qua ngưỡng ủng hộ được chấp thuận cho một ứng viên trong cuộc họp kín là 15% và yêu cầu thông báo đầy đủ thông tin sự kiện cùng các quy tắc, thông tin khác cho công chúng.
Để đảm bảo tất cả quá trình phức tạp này hoàn thành trước đại hội toàn quốc vào mùa hè, các lãnh đạo đảng Dân chủ ở Iowa đã khởi động quá trình họp kín từ rất sớm, điều biến họ trở thành nơi mở màn cho các cuộc đua trong năm bầu cử. Vào tháng 1/1972, bang Iowa trở thành nơi đầu tiên tổ chức cuộc bầu chọn ứng viên của đảng Dân chủ.
Trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên theo các quy tắc mới của đang Dân chủ năm 1972, không ai thực sự chú ý đến các cuộc họp kín ở Iowa như hiện nay. Các ứng viên không dành nhiều thời gian ở đó và giới truyền thông cũng vậy.
Vào thời điểm đó, các chiến dịch vận động tranh cử thường không diễn ra trên quy mô cả nước và các ứng viên tổng thống cũng không tới mọi bang để tiếp xúc cử tri. Nhưng thượng nghị sĩ George McGovern của bang Nam Dakota đã bắt đầu chiến dịch tranh cử ở Iowa và cuối cùng giành được đề cử của đảng Dân chủ.
Những người Cộng hòa chú ý đến điều này và tới cuộc bầu cử năm 1976, đảng đã chuyển các cuộc họp kín ở Iowa sang cùng ngày với đảng Dân chủ.
Cùng năm đó, ông Jimmy Carter trở thành ứng viên đầu tiên chứng minh rằng việc xuất hiện thường xuyên và ngay từ sớm ở Iowa có thể là chìa khóa dẫn tới thành công.
Tham gia tranh cử năm 1976 với tư cách cựu thống đốc Georgia, ông Carter đã tìm cách tận dụng các cuộc họp kín ở Iowa như bệ phóng cho cuộc đua. Ông đã vận động tranh cử tổng cộng 17 ngày ở bang này, bắt đầu từ khoảng một năm trước cuộc họp kín. Ông trò chuyện với người dân ở phòng khách, nơi làm việc hay thậm chí cạnh chuồng gia súc, theo Skipper.
Ông Carter đã giành được đề cử của đảng Dân chủ và cuối cùng trở thành tổng thống Mỹ. Kể từ đó, mọi ứng viên yếu thế đều hy vọng sẽ "nối gót Jimmy Carter", theo nhà báo Alexandra Pelosi.
Các ứng viên như George W. Bush hay Mitt Romney đều coi bang Iowa là nơi quan trọng đối với giấc mơ tổng thống, ngay cả khi kết quả họp kín ở bang này không phải lúc nào cũng báo trước chính xác về thành công trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ngoài ông Carter, chỉ có hai tổng thống từng chiến thắng trong cuộc họp kín ở bang Iowa kể từ năm 1976 là George W. Bush năm 2000 và Barack Obama năm 2008. Nhiều người khác vẫn đắc cử tổng thống dù thua ở Iowa như Ronald Reagan năm 1980, George H.W. Bush năm 1988, Donald Trump năm 2016 và Joe Biden năm 2020.
Vai trò quan trọng của Iowa được thể hiện nhiều hơn trong những năm 1970 và 1980. "Nếu bạn không làm tốt ở Iowa, bạn có xu hướng kết thúc quá trình tranh cử vào thời điểm đó", Peverill Squire, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Missouri, nói.
Điều này phần nào được chứng minh khi doanh nhân Vivek Ramaswamy, 38 tuổi, tối 15/1 thông báo chấm dứt cuộc đua ngay sau khi kết quả họp kín ở Iowa được truyền thông dự đoán, cho thấy ông chỉ về thứ tư với khoảng 7,7% phiếu bầu.
Khảo sát của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ về cuộc bầu cử năm 2004 cho thấy những cử tri bỏ phiếu chọn ứng viên ở các bang sớm như Iowa có ảnh hưởng gấp 20 lần so với cử tri bỏ phiếu muộn.
Phần lớn quyền lực của cử tri bỏ phiếu sớm có thể đến từ cách họ định hướng sự chú ý của truyền thông. Phân tích dữ liệu bầu cử từ năm 1976 tới 2008 chỉ ra "việc đưa tin về các ứng viên trước và ngay sau cuộc họp kín ở Iowa ảnh hưởng đáng kể đến thành tích chung của họ trong cuộc bầu cử sơ bộ trên toàn quốc".
Chỉ nửa giờ sau khi các cuộc họp kín chọn ứng viên đảng Cộng hòa tại bang Iowa, cựu tổng thống Trump được dự đoán giành chiến thắng áp đảo với khoảng 51% số phiếu bầu. Đây là chiến thắng với cách biệt lớn nhất của ứng viên Cộng hòa ở bang Iowa từ trước tới nay.
Các đồng minh của ông Trump tin rằng kết quả này sẽ giúp cựu tổng thống có chiến thắng sớm trong vòng tranh đề cử, trước khi Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa diễn ra tại Milwaukee, bang Wisconsin vào tháng 7.
Thanh Tâm (Theo Vox, Sky News, CBS News)