Sau khi chiến sự Israel - Hamas bùng nổ, một số nhóm vũ trang đã lên tiếng ủng hộ phong trào Hồi giáo ở Dải Gaza. Tuy nhiên, ngoài lực lượng Hezbollah ở Lebanon, đồng minh lâu năm của Hamas, mới chỉ có thêm lực lượng Houthi ở Yemen thể hiện sự ủng hộ bằng hành động quân sự.
Lầu Năm Góc hôm 19/10 thông báo tàu khu trục nước này ở Biển Đỏ đã bắn hạ ba tên lửa cùng các phương tiện bay không người lái (UAV) phóng từ Yemen nhằm vào Israel.
Ngày 31/10, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đánh chặn thành công một tên lửa đất đối đất bay từ khu vực Biển Đỏ nhằm vào thành phố Eliat ở miền nam nước này. Các chiến đấu cơ Israel sáng cùng ngày cũng hạ một số UAV tự sát bay trên vùng biển này.
Houthi, nhóm vũ trang Hồi giáo đang kiểm soát khu vực rộng lớn ở Yemen, sau đó xác nhận đã phóng lượng lớn tên lửa và UAV nhằm vào Israel, thêm rằng đây không phải lần đầu lực lượng này tập kích Tel Aviv, đồng thời cảnh báo sẽ còn tiếp tục cho đến khi đối phương "dừng gây hấn" tại Dải Gaza.
Một ngày sau, Houthi thông báo mở một đợt tập kích UAV mới vào nhiều mục tiêu của Israel. Không rõ thiệt hại của Tel Aviv sau vụ tấn công, song IDF trước đó đã điều các tàu tên lửa tới Biển Đỏ nhằm tăng cường phòng thủ tại khu vực trước mối đe dọa gia tăng từ Yemen.
Theo Zoran Kusovac, nhà phân tích kỳ cựu của Al Jazeera, các cuộc tập kích liên tiếp bằng tên lửa, UAV của Houthi nhắm vào Israel không đem lại nhiều kết quả về mặt quân sự.
"Tên lửa của họ không có nhiều cơ hội để bắn trúng thứ gì cả. Israel nằm cách Yemen tới hơn 2.000 km và đây là giới hạn cực đại với tên lửa có tầm bắn xa nhất mà Houthi đang sở hữu", Kusovac nhận định. "Hơn nữa, tên lửa của họ còn phải vượt qua các tàu chiến Mỹ đang tuần tra ở khu vực, cũng như các tàu khu trục Israel vừa điều tới Biển Đỏ".
Chuyên gia này cho rằng mục đích chính của Houthi trong các vụ tập kích tên lửa không phải là gây thiệt hại vật chất cho Israel, mà nhằm tung "đòn chính trị" vào Arab Saudi, đối thủ của Houthi trong cuộc nội chiến đang diễn ra ở Yemen.
Cuộc nội chiến Yemen bùng phát cuối năm 2014, khi lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn chiếm được thủ đô Sanaa, buộc Tổng thống Mansour Hadi cùng nhiều quan chức phải chạy đến Arab Saudi. Liên minh quốc tế do Riyadh dẫn đầu sau đó phát động chiến dịch nhằm vào Houthi để khôi phục chính quyền được quốc tế công nhận của ông Hadi.
Houthi hiện kiểm soát phần lớn miền bắc và các trung tâm đông dân lớn ở Yemen, trong khi chính quyền do Arab Saudi hậu thuẫn đặt trụ sở tại thành phố cảng Aden ở miền nam. Giữa hai phe những năm gần đây xảy ra nhiều cuộc giao tranh lớn, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Xung đột tại Yemen lắng dịu hơn một năm qua nhờ các nỗ lực hòa đàm do Liên Hợp Quốc dẫn đầu, song mâu thuẫn giữa lực lượng Houthi và chính phủ được Arab Saudi ủng hộ vẫn luôn âm ỉ.
Arab Saudi gần đây tìm cách nối lại quan hệ với Israel sau nhiều thập kỷ đối đầu, song kế hoạch này bị gián đoạn sau khi xung đột ở Dải Gaza leo thang. Các nguồn tin của Reuters cho biết Arab Saudi, với tư cách là nước lãnh đạo khối Arab ở Trung Đông, đã quyết định hoãn đàm phán với Israel nhằm thể hiện sự ủng hộ với người dân Palestine.
Mỹ đang nỗ lực hối thúc Israel và Arab Saudi tiếp tục quá trình bình thường hóa quan hệ, bất chấp xung đột ở Gaza. Trong bối cảnh đó, việc Houthi đẩy mạnh tập kích tên lửa vào Israel có thể là hành động "đổ thêm dầu vào lửa" xung đột, khiến kế hoạch bình thường hóa quan hệ giữa Riyadh và Tel Aviv khó trở thành hiện thực, theo ông Kusovac.
Ngoài việc phá hoại chính sách ngoại giao của Arab Saudi, động thái của Houthi còn nhằm thu hút thêm sự ủng hộ ở trong nước, bằng cách cho người dân thấy nhóm này là lực lượng duy nhất tại Yemen dám thách thức Israel, quốc gia vốn bị khối Arab coi là "kẻ thù".
"Bằng cách này, lực lượng Houthi sẽ vượt lên so với các phe phái khác ở trong nước, thu hút thêm sự ủng hộ của người Yemen", Mahad Darar, chuyên gia tại Đại học Bang Colorado ở Mỹ, nhận định. "Đây cũng là cách để Houthi cho thấy lập trường riêng của mình ở khu vực, tách biệt hẳn so với các nước Arab chưa có động thái phản ứng mạnh với Israel, trong đó có Arab Saudi".
Onur Sultan, nhà nghiên cứu tại Beyond the Horizon ISSG, trụ sở ở Brussels, cho biết mức độ tín nhiệm của người dân Yemen đối với lực lượng Houthi gần đây đi xuống vì cách quản trị yếu kém, tham nhũng tràn lan và khủng hoảng kinh tế tại các khu vực do nhóm kiểm soát. Do đó, xung đột tại Dải Gaza là cơ hội để Houthi hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi các vấn đề nội tại và gia tăng sự ủng hộ.
Cũng theo Sultan, Houthi là một phần của "trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt tại Trung Đông nhằm đối phó với Israel, bên cạnh lực lượng Hezbollah, Hamas cùng các tổ chức dân quân Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq và Syria. Việc phóng tên lửa nhằm vào Tel Aviv cũng là cách để Houthi khẳng định vai trò của mình trong "trục kháng chiến", nhất là sau khi Hezbollah đã có hành động quân sự mở đầu.
"Bằng các cuộc tấn công, Houthi đã xác nhận mình là một phần của trục, đồng thời chứng minh bản thân là một nhóm 'có năng lực'", chuyên gia này nhận định.
Lực lượng Houthi từ khi thành lập đã có tôn chỉ hoạt động là chống Israel và phương Tây. Do đó, nhóm này khó có thể bỏ lỡ cơ hội để tập kích Tel Aviv, khi đối phương đang phải dàn quân đối phó với nhiều mặt trận.
Dù vậy, chuyên gia Darar cho rằng các cuộc tấn công của Houthi không những khó đe dọa Israel, mà còn có thể vô tình mang tới lợi ích cho nước này, nếu nó khiến Mỹ có động thái gay gắt hơn với Iran, "kình địch" của Israel ở Trung Đông.
"Các đòn tập kích của Houthi có thể khiến Mỹ cho rằng Israel đang phải đối đầu với một cuộc chiến trên nhiều mặt trận do Iran hậu thuẫn", ông nêu quan điểm. "Điều này giúp củng cố quan điểm của các quan chức Mỹ theo trường phái cứng rắn, buộc Mỹ có lập trường quyết liệt hơn với Iran".
Phạm Giang (Theo Aj Jazeera, Conversation, Reuters The Media Line)