Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio xác nhận ít nhất 300 visa du học sinh đã bị thu hồi từ đầu năm tới nay, trong khi CNN cho hay hơn 340 người đã bị hủy thị thực du học tại Mỹ.
Theo dữ liệu của Inside Higher Ed, chuyên trang về giáo dục sau phổ thông tại Mỹ, hơn 80 trường đại học, trong đó có nhiều trường lớn như Đại học Nông nghiệp và Cơ khí Texas (Texas A&M), Đại học Oregon, Đại học Florida, Đại học Colorado, Harvard, Yale, Columbia và Stanford ghi nhận du học sinh bị hủy visa.
Giới chức nhập cư Mỹ tiến hành hàng chục vụ bắt bớ du học sinh ngay trong khuôn viên các đại học. Một số vụ bắt được quay video và lan truyền trên mạng, cho thấy các sĩ quan mặc thường phục tiếp cận sinh viên và cưỡng chế thi hành lệnh trục xuất.
Hiện có khoảng 1,1 triệu du học sinh quốc tế tại Mỹ. Ngoại trưởng Rubio cho biết đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhắm đến những cá nhân tham gia các hoạt động "đi ngược lại lợi ích quốc gia".

Biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza của sinh viên Đại học Harvard ngày 23/5/2024. Ảnh: Reuters
Các luật sư đại diện cho du học sinh cho biết visa của họ bị thu hồi đột ngột, không có thông báo trước và họ cũng không được phép nộp đơn kháng cáo. Đa số du học sinh bị hủy visa là những người từng tham gia các hoạt động ủng hộ Palestine, nhưng một số mất thị thực vì hành vi vi phạm luật giao thông, như chạy xe quá tốc độ.
Trường hợp tiêu biểu là Xiaotian Liu, nghiên cứu sinh tiến sĩ người Trung Quốc tại Đại học Dartmouth, đang kiện chính phủ Mỹ vì bị thu hồi visa mà "không có thông báo hoặc giải thích hợp lý". Đơn kiện khẳng định Liu chưa từng phạm pháp hay tham gia bất kỳ cuộc biểu tình nào trên đất Mỹ.
Theo ghi chép phát biểu công bố trên website Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Rubio lý giải rằng visa du học chỉ dành cho mục đích học tập và sẽ bị thu hồi nếu người đó bị cho là tham gia các hoạt động "gây bất ổn" trên đất Mỹ. Ông cũng xác nhận phần lớn trường hợp du học sinh bị thu hồi visa là những người có liên quan làn sóng biểu tình phản chiến ở Gaza, vốn bị chính quyền Trump cáo buộc là cổ xúy tư tưởng bài xích Do Thái và phá hoại tài sản công.
"Chúng tôi làm việc này mỗi ngày. Mỗi lần phát hiện ai đó hành xử điên rồ, tôi tước visa của họ", ông nói.
Một trong những vụ hủy visa và bắt giữ thu hút nhiều quan tâm của truyền thông Mỹ là Mahmoud Khalil. Anh là cựu sinh viên Đại học Columbia và là thường trú nhân hợp pháp, bị bắt ngay trong khuôn viên trường đại học.
Tiến sĩ Rasha Alawieh, chuyên gia ghép thận tại Đại học Brown, bị trục xuất ngay tại sân bay Boston do các nhân viên quản lý xuất nhập cảnh phát hiện ảnh và video thể hiện "cảm tình với Hezbollah" trong điện thoại của bà.
Một trường hợp khác là nghiên cứu sinh Rumeysa Ozturk người Thổ Nhĩ Kỳ, học tại Đại học Tufts, bị 6 nhân viên Cơ quan Thực thi Nhập cư và Hải quan (ICE) mặc thường phục bắt trên đường đi dự lễ Ramadan.
Nhân viên ICE mặc thường phục bắt Rumeysa Ozturk tại Massachusetts ngày 25/3. Video: BBC
Các chuyên gia nhập cư cho hay những người có visa du học cũng được hưởng quyền tự do ngôn luận như công dân Mỹ và họ hiếm khi bị trục xuất vì thể hiện quan điểm chính trị. Tuy nhiên, do bản chất tạm thời của loại visa này, đây là nhóm rất dễ bị trục xuất.
Chính quyền Trump viện dẫn Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch năm 1952, cho phép Ngoại trưởng Mỹ quyền trục xuất người nước ngoài nếu họ được xem là có thể gây "hậu quả nghiêm trọng về chính sách đối ngoại" của đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, đạo luật sửa đổi năm 1990 đã giới hạn áp dụng đạo luật năm 1952 xoay quanh quyền tự do ngôn luận của người nước ngoài tại Mỹ, chỉ cho phép áp dụng đối với "những trường hợp bất thường" và khuyến cáo vận dụng luật này có chừng mực.
Đạo luật sửa đổi năm 1990 cũng đưa ra hai trường hợp tiêu biểu cho phép Ngoại trưởng Mỹ trục xuất người nước ngoài liên quan những phát ngôn của họ. Đầu tiên là trường hợp người nước ngoài lưu trú tại Mỹ vi phạm hiệp ước hay thỏa thuận mà Mỹ đã ký kết.
Trường hợp thứ hai là người nước ngoài tại Mỹ có phát ngôn nguy cơ dẫn đến "mối đe dọa ngay lập tức đối với sinh mạng và tài sản" của người Mỹ ở nước khác. Quyết định hủy visa của Rumeysa Ozturk phần nào cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ đang nới rộng trở lại cách áp dụng đạo luật.
Bà Ozturk từng đồng tác giả một bài báo sinh viên cáo buộc Israel "diệt chủng" trong xung đột Dải Gaza, nhưng đến nay chưa chịu cáo buộc nào khác như tham gia biểu tình hay phá hoại tài sản.
Ông Rubio lý giải rằng Mỹ sẽ trục xuất bất kỳ du học sinh nào tham gia "các phong trào dẫn đến hành vi phá hoại trường học, quấy rối sinh viên, chiếm đóng tòa nhà". Phát biểu này cho thấy ngay cả những du học sinh không trực tiếp gây rối cũng có thể bị cơ quan nhập cư Mỹ nhắm đến nếu thuộc nhóm có cùng tư tưởng.
Chính quyền Tổng thống Trump đang gia tăng áp lực với các trường đại học Mỹ hành động quyết liệt hơn để kiểm soát những cuộc biểu tình phản chiến, được cho là thể hiện "tư tưởng bài xích Do Thái và quấy rối".
Nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) đầu tháng này gửi thư cho Đại học Harvard nêu 9 yêu cầu cải cách cần thiết để trường duy trì các khoản tài trợ và hợp đồng liên bang có tổng giá trị gần 9 tỷ USD, chủ yếu nhắm vào chống bài xích Do Thái và kiểm soát biểu tình.
Harvard cũng sẽ phải cam kết hợp tác toàn diện với Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cơ quan phụ trách chính sách nhập cư và chiến dịch trục xuất hiện nay.
Thanh Danh (Theo BBC, CNN, CNBC)