Em bị ttrĩ nội nhưng không rõ có khác gì so với trĩ ngoại. Em dự định cắt trĩ, có tìm hiểu về phương pháp cắt trĩ phổ biến longo nhưng em chưa rõ cụ thể thế nào? Trường hợp nào có thể thực hiện được phương pháp này? (Đức Thắng, Long An)
Trả lời:
TS.BS Đỗ Minh Hùng (Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, tỷ lệ bệnh trĩ chiếm khoảng 4-5% dân số, thường gặp ở độ tuổi 40-65, triệu chứng dễ nhầm lẫn với rò, nứt hậu môn, áp xe hậu môn. Khi thăm khám, bác sĩ thường chẩn đoán bệnh nhân bị trĩ nội hay trĩ ngoại, tùy thuộc vào nguồn gốc xuất phát của mạch máu. Trên lâm sàng, trĩ nội ở phía trên đường lược, còn trĩ ngoại ở phía dưới. Trường hợp nặng, các búi trĩ thông với nhau hình thành nên trĩ hỗn hợp.
Bác sĩ Hùng chia sẻ thêm, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ thăm khám và sử dụng phương pháp phù hợp cho bệnh nhân để đạt hiệu quả cao. Ví dụ: trĩ độ 1, 2 thường áp dụng thủ thuật cột dây thun, tiêm xơ trĩ, quang đông hồng ngoại, đột 3 triệt mạch qua siêu âm nội soi, cắt stapler, longo; trĩ độ 4 đa phần sẽ mổ kinh điển.
Theo ThS.BS Ngô Hoàng Kiến Tâm, một trong những phương pháp phẫu thuật phổ biến, ít đau là longo. Phương pháp này chỉ dùng tốt nhất cho những trường hợp trĩ nội đơn thuần, trĩ nội độ 3, độ 4; một số trường hợp có trĩ ngoại kèm theo, trĩ hỗn hợp cần cắt các búi trĩ ngoại. Với phương pháp phẫu thuật longo, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ cắt vòng quanh trĩ và khâu nối.
Việc điều trị hồi phục nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào thời điểm điều trị, mức độ nặng hay nhẹ, ít búi hay nhiều búi trĩ. Nếu ít búi trĩ, điều trị thời điểm phù hợp sẽ gây tổn thương ít. Trường hợp trĩ vòng, trĩ hỗn hợp khi cắt thì sẽ tổn thương mô nhiều và đau hơn. Các phương pháp phẫu thuật cho trĩ nội đơn thuần thường sẽ ít đau hơn so với có trĩ ngoại kèm theo.
Ngọc An