Cựu đại sứ Vũ Hồng Nam là một trong 9 cựu quan chức Bộ Ngoại giao bị truy tố tội Nhận hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Ông bị VKS đề nghị 4-5 năm tù vì hai lần nhận tổng cộng 1,8 tỷ đồng của giám đốc Lê Văn Nghĩa (Công ty Nhật Minh).
Tại TAND Hà Nội trong những phút đầu tự bào chữa, ông Nam bật khóc nói về bối cảnh người Việt tại Nhật Bản trong đại dịch. "Công dân không có bảo hiểm, mất việc, không tiền, không nhà. Chị em đến kỳ sinh không về được, rất đông. Tôi điện về nước rất nhiều nhưng không có chuyến bay. Hàng chục nghìn người mắc kẹt, sự kiên nhẫn càng giảm, nhiều người chết trước khi về nước", ông nói.
Cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết tính đến tháng 10/2020 đã hơn 26.000 người đăng ký xin về trên các chuyến bay tự trả phí. Họ liên tục hỏi "sao 7 tháng chưa được về", cho hay "không thể kiên nhẫn chờ được nữa". Trong khi đó, Đại sứ quán "chỉ biết hứa"... Ông Nam bật khóc khi kể lại sự việc "căng như dây đàn", rồi không thể nói tiếp.
Sau một lúc lấy lại bình tĩnh, ông Nam phân trần đã trải qua hai năm đại dịch khốn khó, dốc sức bảo vệ công dân, rồi lại một năm giải trình, sau đó bị điều tra. "Rất nhiều người trách tôi sao không ngồi yên, sao phải sáng kiến, sao lại xin thêm chuyến bay làm gì, chỉ làm chuyến bay của nhà nước thôi giờ đỡ xảy ra chuyện. Trong những lúc chua cay, tôi cũng suy nghĩ thế. Nhưng đúng là nhìn lại, nếu tôi không làm thì hàng nghìn con người sẽ rơi cảnh không biết thế nào", cựu đại sứ tại Nhật Bản run giọng trình bày.
Ông Nam thừa nhận "đã sai" và không ngụy biện, nhưng cho rằng lúc đó "hành động đúng". "Trong bối cảnh dịch bệnh như thế, mọi thứ có thể xảy ra", ông nói khi tự bào chữa.
Bào chữa cho ông Nam, luật sư Trần Nam Long nói người Việt ở Nhật vào thời điểm dịch lên tới con số 68.000. Đa số xuất thân gia đình nghèo, ở nông thôn, sang Nhật du học kết hợp lao động để chi trả học phí vì gia đình không có khả năng chu cấp, nhiều người sinh sống bất hợp pháp.
Ông Nam gửi 11 công diện cho Bộ Ngoại giao và Chính phủ, liên hệ doanh nghiệp để đưa càng nhiều công dân về nước càng tốt. Kết quả, 5.000 người được về trên 16 chuyến bay combo với "mức giá rẻ nhất có thể", 28-30 triệu đồng mỗi người, luật sư nói.
Luật sư cho rằng ông Nam tổ chức các chuyến bay xuất phát "trước hết từ lương tâm của cán bộ đứng mũi chịu sào", với trách nhiệm bảo vệ hình ảnh, uy tín đất nước. "Việc nhận tiền không phải mục đích khiến ông Nam lao vào công việc", luật sư Long nêu quan điểm.
Trước việc ông Nam bị VKS đề nghị 4-5 năm tù về tội Nhận hối lộ, luật sư cho rằng "có lỗi rất lớn từ doanh nghiệp", bởi ông Nam "chưa bao giờ chủ động đặt vấn đề hay mặc cả gợi ý đưa tiền".
Luật sư dẫn chứng, cả hai buổi ông Nam gặp và nhận tiền diễn ra cùng mô típ: "Liên tục gọi điện nhắn tin xin gặp, với đủ các lý do, còn ông Nam liên tục khước từ". Trong hai buổi gặp, Nghĩa đều để lại túi quà rồi nhanh chóng rời đi, nói là quà chứ không phải tiền. Ông Nam chỉ biết có tiền sau khi Nghĩa ra về.
"Như vậy, việc nhận tiền của bị cáo Nam có lỗi lớn từ sự chủ động áp sát, nài ép từ phía doanh nghiệp. Về phía mình, bị cáo Nam cũng có lỗi là không cưỡng lại sự cám dỗ", luật sư Long bào chữa và cho rằng nhận thức đơn giản của thân chủ là doanh nghiệp tổ chức chuyến bay xong, có lãi thì cảm ơn.
"Cùng là nhận tiền nhưng thân chủ tôi có sự khác biệt và bản chất hoàn toàn khác", luật sư nêu quan điểm.
Cựu đại sứ Trần Việt Thái: "Dám làm thì không đúng quy định, mà theo quy định không làm được việc"
Ông Trần Việt Thái, cựu đại sứ tại Malaysia, bị cáo buộc liên quan sai phạm trong 8 chuyến bay, đưa 1.891 người đã chấp hành xong án phạt tù về nước. Ông bị VKS đề nghị 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
VKS cho rằng ông Thái và ba bị cáo là cựu cán bộ đại sứ quán đã có sai phạm thu hơn 4,6 triệu đồng khi cấp mỗi cuốn hộ chiếu nhưng chỉ nộp ngân sách với mức 1,6 triệu đồng/cuốn... Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã thu hơn 43 tỷ đồng của 1.891 người trên, trong số này ông Thái dùng 33 tỷ đồng tổ chức các chuyến bay. Với 10 tỷ đồng còn lại, một số cán bộ chia nhau 5 tỷ đồng.
Ông Thái bị cáo buộc hưởng lợi 580 triệu đồng, đã nộp khắc phục 5,6 tỷ đồng. 5 tỷ đồng đưa vào sử dụng tại đại sứ quán cũng đã được cán bộ tại đây nộp lại.
Tự bào chữa sáng nay, cựu đại sứ cho rằng "không cố tình thu khống" mà thu cho các tình huống cấp bách. Cục diện lúc đó căng thẳng, đại sứ quán "bắt buộc phải có kinh phí dự phòng cho nhiều tình huống". "Rủi ro khác nữa là trại giam ở xa, người mãn hạn tù không quay lại được... Nếu mỗi tháng tổ chức một chuyến bay thì coi như phải nuôi thêm một tháng", ông phân trần.
Ông Thái cho rằng khi đại sứ quán vào cuộc, tổ chức chuyến bay với giá chỉ 20-35 triệu đồng/người, một số người nghĩ "bị đạp đổ nồi cơm" nên cố tình viết đơn tố cáo ông và sứ quán.
Theo ông, không có quyết toán nên không biết là tiền thu thừa khoảng 10 tỷ đồng và khoản này bị coi là thiệt hại vụ án. "Nếu có thiệt hại, chúng tôi sẵn sàng bồi thường và bản thân tôi đã bồi thường hơn 5 tỷ đồng. Chúng tôi xin nhận sai nhưng hơi lăn tăn là không có bị hại", ông nói.
Về những khó khăn của 8 chuyến bay đưa 1.891 người hồi hương, ông Thái phân trần do tình thế cấp bách, gọi điện về nước xin chuyên cơ nhưng được báo là chưa có chỗ cách ly. Ông và các cán bộ để tháo gỡ vướng mắc đã bỏ qua nhiều quy định và "chỉ làm theo thực tiễn", "vì lợi ích bà con". Vì thế, ông trở thành bị cáo và đứng tại phiên tòa này.
"Dám làm thì không đúng quy định, mà theo quy định không làm được việc", ông phân trần và xin giảm án cho các cán bộ dưới quyền - những người như ông đã "dám làm việc", nhưng nay vướng lao lý.
Phiên tòa đang tiếp tục phần tranh luận.
Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), khi triển khai các chuyến bay có sự chồng chéo, không rõ ràng về thẩm quyền giữa các bộ, ngành. Một số cán bộ có thẩm quyền đã lợi dụng việc này để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho. Điều này buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để có tiền "bôi trơn, đưa hối lộ".
Sau hơn một năm điều tra vụ án, ngày 3/4, Cơ quan An ninh điều tra đề nghị truy tố tổng cộng 54 người về 5 tội: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ,Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bộ Công an cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. 54 bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi vì mục đích cá nhân.
Thanh Lam - Phạm Dự