Trưa 8/6, bà mẹ đơn thân không còn cách nào khác vượt 20 km từ Hoàng Cầu (Hà Nội) về đón con. "Đến nơi thấy phụ huynh nhốn nháo, bọn trẻ nhớp nháp mồ hôi, mếu khóc kêu nóng. Cô giáo quần xắn móng lợn, một tay quạt, một tay dỗ trẻ, nhưng không xuể", người mẹ 30 tuổi kể lại lần đầu phải đón con giữa trưa.
Không gửi con được ở đâu, chiều lại có cuộc họp quan trọng, hai mẹ con đành đưa nhau đến cơ quan. Vì quá giờ ngủ trưa, cô bé làm nũng, gây ồn ào khiến trưởng phòng khó chịu. Đến giờ họp, Linh gửi con cho một đồng nghiệp nhưng được vài phút nhận thông báo không tìm thấy con bé ở đâu.
"Cả phòng lại túa ra tìm. Cuối cùng thấy con bé chui vào gầm bàn ở góc xa ngủ ngon lành", Linh kể.
Tưởng chỉ vất vả buổi chiều, lúc tan ca Linh nhận được tin khu nhà chị bị cắt điện, chưa biết khi nào có lại. Không thể nấu cơm, máy bơm nước cũng không hoạt động nên hai mẹ con vạ vật ngoài đường tìm chỗ ăn, nghỉ, gần nửa đêm có điện mới dám về.
![Một người phụ nữ cùng con gái mang đồ ăn, nước uống đến trung tâm thương mại ở quận Long Biên (Hà Nội) để vui chơi và tránh nóng, chiều 3/6. Ảnh minh họa: Quỳnh Nguyễn](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/06/09/dscf3073-jpg-1686323688-8455-1686323846.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=00Le33euFloH0-WZGHmOmg)
Một người phụ nữ cùng con gái mang đồ ăn, nước uống đến trung tâm thương mại ở quận Long Biên (Hà Nội) để tránh nóng, chiều 3/6. Ảnh minh họa: Quỳnh Nguyễn
Không chỉ làm đảo lộn cuộc sống các gia đình, mất điện còn khiến nhiều nhân viên văn phòng điêu đứng. 10h ngày 8/6, mọi thiết bị của công ty anh Lê Ngọc ở Hoàng Mai (Hà Nội) đột nhiên tắt ngúm.
Không thể làm việc, lại bị cái nóng bao trùm, hơn 120 người trong công ty túa ra như ong vỡ tổ. Người ở gần về nhà, người ở xa tá túc bạn bè. Nhà cách công ty 20 km, lại không biết khi nào mới có điện, anh Ngọc nhập hội với đám thanh niên đi ăn trưa sớm rồi ra quán cà phê tranh thủ chợp mắt.
Đặc thù công việc của anh phải làm việc theo nhóm và dùng máy tính tại công ty nên mất điện đồng nghĩa tiến độ công việc bị ngưng trệ. ''Dự án sắp đến hạn nộp mà nhân viên lại ngồi không cả ngày, ai nấy đều sốt ruột'', người đàn ông 30 tuổi làm trong lĩnh vực xây dựng nói.
Ngồi mãi ở quán cà phê đợi điện cũng chán, mấy đồng nghiệp kéo nhau đi bơi. Sau gần một giờ dưới hồ bơi, Ngọc lên bờ phát hiện hơn chục cuộc gọi nhỡ của sếp thông báo đã có điện. Anh về lại văn phòng khi đã 17h, cả công ty lại ngồi làm việc đến nửa đêm.
''Tôi tính cuối tuần tranh thủ về quê thăm con, nhưng vì điện chập chờn, công việc ngừng trệ nên thứ 7, chủ nhật vẫn phải đi làm, đành thất hứa với con vậy'', Ngọc nói.
![Anh Lê Ngọc làm việc tại công ty đến 7h30 tối 8/6 để bù phần việc dang dở do mất điện cả ngày. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/06/09/IMG-7263-JPG-3807-1686323846.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7dIJUTPUZ3MAKvnwCNr3EA)
Anh Lê Ngọc làm việc tại công ty lúc 19h30 ngày 8/6 để bù phần việc dang dở do mất điện cả ngày. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc đang trải qua những ngày thiếu điện trầm trọng. Chỉ tính trong khoảng từ ngày 2 đến 9/6 tại Hà Nội, trừ 4 huyện không có lịch cắt điện là Thanh Trì, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sóc Sơn, còn lại 26 quận, huyện và thị xã đều nhận thông báo cắt. Khảo sát thực tế cho thấy số khu vực, tần suất mất điện đột xuất nhiều hơn so với số được thông báo.
Tổng công ty Điện lực Hà Nội lý giải nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, tiềm ẩn nguy cơ nên một số khu vực phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp, không thể báo trước.
Thành phố Hải Phòng cũng có thông báo cắt điện luân phiên từ ngày 3/6 ở 15 quận huyện. Tình trạng cắt điện kéo dài 2-10 tiếng mỗi ngày tại nhiều khu vực khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Đưa chồng vừa bị co giật, có tiền sử tai biến đến bệnh viện trên địa bàn quận Ngô Quyền tái khám lúc hơn 7h sáng 9/6, chị Hồng Anh nhận thông báo tạm dừng tiếp nhận các trường hợp phải xét nghiệm bằng máy móc bởi sẽ mất điện từ 8h. "Ở nhà mất điện từ sáng sớm, bệnh viện cũng chẳng khá khẩm hơn", người phụ nữ 50 tuổi thở dài.
Trường hợp của chồng chị, do bệnh viện không có máy phát điện, bác sĩ đưa ra hai phương án, một là nhập viện để theo dõi, hai là dời lịch khám sang thứ 2 do cuối tuần không làm việc.
Muốn sớm có kết quả để tính phương án chữa trị cho chồng, chị Hồng Anh cố nài nỉ, xin tranh thủ lúc còn điện để làm xét nghiệm nhưng bất thành. "Biết không gấp như trường hợp cấp cứu, nhưng phải chờ ba ngày mới đi khám lâu quá. Đến khi đó cũng chưa ai dám chắc không bị cắt điện như hôm nay", chị ngán ngẩm.
Mất điện kéo dài cũng khiến ông Thanh Bình, quận Lê Chân (Hải Phòng), được chẩn đoán bị huyết áp cao, ung thư gan giai đoạn cuối chật vật sống qua ngày nóng.
Sức khỏe yếu, di chuyển khó khăn do di căn xương khiến người đàn ông 56 tuổi không thể đi tránh nóng mỗi lần cắt điện hàng tiếng đồng hồ. Sợ chồng mệt vì nóng, vợ con ông thay nhau lấy quạt nan làm dịu cơn nóng cả ngày lẫn đêm.
"Hễ dừng tay là mồ hôi ông ấy túa ra, nhiệt độ cơ thể tăng lại khiến huyết áp vọt lên, ngồi không mà thở hồng hộc đến xót xa", bà Mai Hoa, vợ ông nói. Người phụ nữ tính, nếu tình trạng mất điện tiếp tục kéo dài, sẽ gom tiền mua quạt tích điện.
![Nắng nóng kèm mất điện kéo dài từ cuối tháng 5 khiến một cửa hàng tiện lợi trên địa bàn quận Cầu Giấy luôn kín chỗ từ 9h sáng đến 12h đêm. Ảnh: Quỳnh Nguyễn](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/06/09/img-7143-jpg-1686323703-8522-1686323846.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v2s_0ZueVJBjIrgaShIY4g)
Nắng nóng kèm mất điện kéo dài từ cuối tháng 5 khiến một cửa hàng tiện lợi trên địa bàn quận Cầu Giấy luôn kín chỗ từ 9h sáng đến 12h đêm. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Từ cuối tháng 4, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo miền Bắc có thể thiếu 1.600-4.900 MW. Nhưng hơn một tháng sau, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/6, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận điều này "không còn là nguy cơ".
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến 2/6, dung tích bình quân các hồ chứa ở miền Bắc mới đạt 46,7% so với thiết kế. 5 nhà máy thủy điện ở miền Bắc phải dừng phát điện ngày 8/6 gồm: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang. Đây là nguyên nhân chính khiến miền Bắc mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể 50,8 triệu kWh, phải cắt điện diện rộng.
EVN và công ty thành viên không công bố phạm vi, nhóm khách hàng bị mất điện, nhưng khảo sát từ lịch tạm ngừng cấp điện (theo kế hoạch báo trước) cho thấy hầu hết địa phương miền Bắc bị mất điện.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), khẳng định ngừng cung cấp điện trong hoàn cảnh hiện nay là điều bất khả kháng.
Để hạn chế việc cắt điện, ông Long khuyên mỗi cá nhân, gia đình cần hạn chế sử dụng các thiết bị điện; chuẩn bị đồ dùng tích điện (máy phát, quạt tích điện); các gia đình có người già, trẻ nhỏ, và bệnh nhân cần tính toán phương án di tản đến nơi mát; lên phương án tích trữ, bảo quản thức ăn trong thùng giữ nhiệt khi tủ lạnh ngừng hoạt động.
Riêng về phía điện lực, chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kịp thời thông báo lịch cắt điện nhanh và chính xác nhất đến người dân. "Cố gắng trong điều kiện phụ tải lớn cần nghiên cứu cụ thể và phân chia các khu vực cắt linh hoạt để đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân không bị ảnh hưởng", chuyên gia nói.
Trải qua những ngày nắng nóng, mất điện diện rộng khiến Phương Linh nhớ lại tuổi thơ thiếu thốn thời bao cấp. "Tưởng thời kỳ gian khó đó đã là quá khứ, không ngờ lại là hiện tại tiếp diễn", bà mẹ một con ví von.
Điều người phụ nữ này lo nhất là nếu thời gian tới trường mầm non tiếp tục bị cắt điện, chị sẽ không biết gửi con cho ai.
Hải Hiền - Phạm Nga - Quỳnh Nguyễn