Khi hiệp một kết thúc, thống kê cho thấy Malaysia kiểm soát bóng đến 63%, sút năm lần - trong đó có ba cú đúng hướng cầu môn, hưởng bốn pha đá phạt góc. Toàn bộ thông số vượt trội đó chủ yếu đến từ phút 30, khi họ dâng cao đội hình, dồn toàn lực để tìm bàn gỡ hòa. Nếu không nhờ những phản xạ xuất thần của Tấn Trường, trận đấu có thể đã rẽ theo hướng khác.
Có hai cách nhìn về 15 phút sóng gió đó. Đầu tiên, việc bị đối thủ ép sân như vậy là không bất ngờ. Malaysia không còn chọn lựa khác sau khi bị thủng lưới ở phút 27. Đây cũng là trận đấu mà họ phải thắng, thậm chí thắng đậm Việt Nam mới có thể nuôi hy vọng đi tiếp. Phản xạ tự nhiên của Malaysia là đẩy cao tốc độ và đội hình hòng gỡ hoà thật nhanh trước khi nghĩ đến ba điểm. Trong trận đấu mà tương quan thực lực gần như ngang nhau, việc Việt Nam bị ép sân như vậy cũng bình thường. Thứ hai, Malaysia cho thấy họ vẫn là đội tuyển mạnh, chí ít là không tụt lại một khoảng xa với Việt Nam, như trường hợp Indonesia. Khi cần thiết, Malaysia đủ sức dồn ép đối thủ nhằm tạo ra thay đổi. Nếu Tấn Trường không xuất sắc, có thể Malaysia đã thành công với kế hoạch của họ.
Malaysia thất bại nhưng phần nào cho thấy được sự lấn lướt của họ ở khía cạnh thể lực và độ lì lợm. Điều duy nhất đối thủ này không có, đó là chiều sâu đội hình và chất lượng con người như HLV Park Hang-seo đang sở hữu.
So với trận thắng Indonesia 4-0, có đến ba cầu thủ mới được HLV Park sử dụng - gồm Nguyễn Trọng Hoàng, Hà Đức Chinh, Phạm Đức Huy. Nhà cầm quân Hàn Quốc cũng xáo trộn đến năm vị trí ở đội hình xuất phát trong trận cầu có tính quyết định. Như vậy, chỉ trong hai trận, ông sử dụng tổng cộng 18 cầu thủ. Nghĩa là, trừ thủ thành Tấn Trường và ba hậu vệ Ngọc Hải - Duy Mạnh - Tiến Dũng, tất cả các vị trí còn lại đều được thay đổi và cho ra kết quả mỹ mãn: 6 điểm, 6 bàn và chỉ một lần thủng lưới từ phạt đền. Nhìn vào các con số đó, có thể nói HLV Park đang sở hữu đến hai đội hình tương đương về chất lượng và có sẵn ba tới bốn phương án thi đấu khác nhau.
Vì vậy, thất bại của Malaysia không phải chỉ đến từ cú té ngã có phần nhạy cảm của Văn Toàn, dù trong màu áo HAGL, tiền đạo giàu tốc độ này đã luyện "ngón đòn" đó đạt đến mức thiện nghệ. Cái cách HLV Park tung Phạm Đức Huy và Vũ Văn Thanh vào sân để thêm cơ bắp cho tuyến giữa, rồi sau đó đổi toàn bộ hàng công cho thấy ông đã có sẵn kịch bản chốt hạ trận đấu. Nếu không tính 15 phút cuối hiệp một, thì ở hiệp hai, kiểm soát bóng nhiều nhưng Malaysia hầu như không có cơ hội nguy hiểm. Biến cố duy nhất nằm ngoài dự liệu của HLV Park là pha đè người có phần thô lỗ của Đoàn Văn Hậu, dẫn tới quả phạt đền và bàn gỡ 1-1 cho Malaysia. Pha bóng đó là lỗi cá nhân, từ một cầu thủ đã hơn nửa năm không chơi bóng nên ít nhiều mất cảm giác về không gian.
Vậy điều gì rút ra từ trận chiến trên sân Al Maktoum? Trận đấu càng kéo dài, tỷ lệ thắng càng chuyển dịch từ Malaysia sang Việt Nam. Đối phương đã có 15 phút trong tình trạng thể lực cực tốt để tăng tốc, dồn ép và giữ lấy trận đấu trong tay, nhưng họ không làm được. Ngược lại, đội bóng của HLV Park chỉ mất tám phút để giật lấy mọi ưu thế. Đó chính là sự khác biệt về chất lượng con người, về khả năng đọc trận đấu giữa hai HLV, và bản lĩnh của hai đội khi đối diện với các diễn biến khó khăn trên sân.
Đấy cũng chính là giá trị lớn nhất trận này. Thắng Indonesia 4-0 chẳng có ý nghĩa gì so với ba điểm nhọc nhằn trước Malaysia. Việt Nam đã thay thế sự sáng tạo, nét rộn ràng của lối chơi tấn công bằng những phẩm chất của thép, của đá, của băng giá để khiến Malaysia một lần nữa thua trận trong ấm ức, tiếc nuối một cách bất lực. Một lần nữa, Việt Nam duy trì một cách chắc chắn khả năng điều chỉnh nhịp điệu, có thể áp đặt lối chơi trước đối thủ yếu, hoặc uyển chuyển thay đổi dựa trên thế trận của đối phương.
Chiến thắng khó khăn trước Malaysia, vì thế, như một lời cảnh báo, giúp đội bóng của ông Park tập trung hơn. Nhưng dù sao, nó vẫn mang vị ngọt của ngôi đầu bảng cùng lợi thế rất lớn trước trận chung kết bảng với UAE.
Song Việt