Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/1 quyết định đặt 8.500 binh sĩ trong trạng thái "báo động cao độ", sẵn sàng tăng cường cho Lực lượng Phản ứng Nhanh của NATO trong nỗ lực ứng phó những động thái của Nga xung quanh Ukraine. Động thái được Biden tiến hành sau nhiều ngày thúc đẩy đàm phán với Nga nhưng không tháo gỡ được ngòi nổ trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tình thế đối đầu căng thẳng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin không phải thách thức đối ngoại duy nhất mà Biden phải đối mặt. Ở phía bên kia Thái Bình Dương, Mỹ và Trung Quốc đều đang phô diễn sức mạnh quân sự chiến lược giữa căng thẳng về Đài Loan và Biển Đông, trong cuộc cạnh tranh siêu cường lâu dài nhằm giành ảnh hưởng ở khu vực. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương hôm 28/1 cảnh báo "xung đột quân sự" có thể bùng phát nếu Washington tiếp tục "xúi giục Đài Loan đòi độc lập".
Tại Trung Đông, nơi Washington đang nỗ lực rút chân, hệ thống phòng không Patriot Mỹ hôm 24/1 phải khai hỏa đánh chặn hai tên lửa đạn đạo của Houthi, nhóm phiến quân tại Yemen do Iran hậu thuẫn, nhắm vào căn cứ quân sự có lực lượng Mỹ ở gần Abu Dhabi, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Tình huống này dường như là lời nhắc nhở rằng ảnh hưởng của Tehran ở Trung Đông vẫn là thách thức lớn với lực lượng Mỹ, bất chấp một số hy vọng tái khởi động đàm phán hạt nhân Iran.
Sóng gió đối ngoại với Biden chưa dừng lại, khi Triều Tiên tiến hành 7 vụ thử tên lửa liên tiếp chỉ trong tháng 1, trong đó có hai lần phóng tên lửa siêu vượt âm vào ngày 5 và 11/1. Trang The War Zone chuyên về các vấn đề quân sự Mỹ dẫn các nguồn tin giấu tên tiết lộ vụ thử tên lửa hôm 11/1 có thể đã khiến quân đội Mỹ kích hoạt lá chắn phòng thủ, thúc đẩy Cục Hàng không Liên bang Mỹ ra quyết định cấm nhiều chuyến bay xuất phát từ Bờ Tây để bảo đảm an toàn.
Theo bình luận viên Stephen Collinson của CNN, các lãnh đạo Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên dường như đang nhận thấy thời cơ hành động khi Mỹ đối mặt áp lực từ khắp nơi.
"Putin là một ví dụ. Ông ấy biết rõ Biden muốn tập trung vào mối đe dọa từ Trung Quốc, nên động thái thăm dò xem liệu Mỹ có bị phân tâm hay không là bước đi hợp lý. Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ hài lòng nếu Washington sa lầy ở châu Âu", Collinson phân tích.
Thách thức chồng chất với chính quyền Biden xuất hiện trong bối cảnh nhiều nước ngày càng hoài nghi về vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. Bất chấp Biden đảm bảo rằng "nước Mỹ đã trở lại", chiến dịch rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan năm ngoái làm dấy lên ngờ vực về năng lực và cam kết của Mỹ với đồng minh lẫn đối tác.
Collinson nhận định các đối thủ của Mỹ đều cho rằng nước này đã kiệt quệ sau 20 năm liên tục can dự vào các cuộc chiến ở nước ngoài, dẫn đến tính toán rằng Washington có thể nao núng trước kịch bản tham gia vào một cuộc chiến mới.
Trong nội bộ chính trị Mỹ, chia rẽ đảng phái vẫn chưa được thu hẹp sau cuộc bầu cử tổng thống 2020, khi nhiều cử tri Mỹ vẫn ủng hộ cáo buộc "gian lận phiếu bầu" do Donald Trump đưa ra và phe Cộng hòa chỉ trích Biden yếu đuối trước Putin. Hiếm có thời điểm nào tốt hơn để các quốc gia khác thách thức ông chủ Nhà Trắng, theo Collinson.
Trong một tình huống dường như cho thấy áp lực đang bắt đầu đè nặng lên Biden, Tổng thống Mỹ hôm 24/1 mắng phóng viên của Fox News, kênh được những người bảo thủ yêu thích, sau khi người này hỏi rằng liệu lạm phát có phải là trách nhiệm chính trị hay không. "Đúng là thằng khốn ngu ngốc", ông nói, dường như không biết micro vẫn bật. Biden sau đó đã gọi điện cho phóng viên này để xin lỗi.
Theo Collinson, các yếu tố địa chính trị nêu trên đều được thể hiện qua những gì đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Sau khi điều khoảng 100.000 binh sĩ đến biên giới Ukraine, Nga đưa ra một loạt yêu cầu an ninh đòi hỏi nhượng bộ từ phía Mỹ, như đảm bảo Kiev không bao giờ gia nhập NATO và liên minh không được mở rộng về phía đông, chấm dứt các hoạt động quân sự ở Đông Âu.
Biden đã phản ứng bằng cách dần tăng áp lực lên Nga, nhằm khiến Putin tin rằng cái giá phải trả nếu tấn công Ukraine sẽ rất đắt, cảnh báo áp đặt những biện pháp trừng phạt có thể làm tê liệt kinh tế Nga và gây tổn hại về mặt chính trị với ông chủ Điện Kremlin.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết sẽ sớm điều thêm quân đến Đông Âu để tăng cường hiện diện của NATO tại đây. Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, Mỹ chuyển giao quyền chỉ huy một nhóm tác chiến tàu sân bay ở Địa Trung Hải cho NATO. Các động thái đều nhằm thể hiện sự kiên quyết, răn đe và cảnh báo rằng nỗ lực đẩy Mỹ khỏi châu Âu của Nga sẽ thất bại.
Chính sách đối ngoại của Mỹ tới nay, trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh giữa Biden và Putin ở Geneva hồi tháng 6/2021 cùng hội nghị trực tuyến gần đây, không mang lại đột phá nào, thậm chí còn khiến các đảng viên Cộng hòa cáo buộc Biden đang nhân nhượng Putin.
Bài toán mà Biden đối mặt thêm nan giải khi các đồng minh châu Âu của Mỹ được cho là đang chia rẽ về cách ứng phó Nga. "Không phải ngẫu nhiên Putin chọn thời điểm này. Ông ấy đang tìm cách thăm dò tình trạng chia rẽ nội bộ giữa các cường quốc châu Âu và Mỹ về cuộc khủng hoảng, khi ba nước mạnh nhất châu Âu đang trải qua giai đoạn biến động", Collinson đánh giá.
Đức vừa có liên minh cầm quyền mới với ba đảng vốn không thống nhất về chính sách đối ngoại và nhận thức được rằng họ bị phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga trong mùa đông, đồng thời vẫn ngần ngại các hoạt động tấn công quân sự do ký ức đau thương về chủ nghĩa quân phiệt trong lịch sử.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong nỗ lực tái tranh cử vào tháng 4, lại đang sử dụng cuộc khủng hoảng để thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò tích cực hơn, có thể khiến ảnh hưởng của Mỹ suy yếu. Thủ tướng Anh Boris Johnson thậm chí bị kêu gọi từ chức vì loạt cáo buộc văn phòng của ông mở tiệc giữa lệnh phong tỏa. Ngoài ra, London được cho là còn bị các đồng minh ác cảm sau khi rời EU.
Trong một động thái dường như nhằm giải quyết tình trạng chia rẽ ở châu Âu, Biden hôm 24/1 tập hợp các lãnh đạo châu lục trong một cuộc họp trực tuyến, dẫn đến loạt tuyên bố đoàn kết từ hai bờ Đại Tây Dương để đối phó Nga. "Tôi đã có cuộc gặp vô cùng tốt đẹp, hoàn toàn nhất trí với tất cả các lãnh đạo châu Âu", Biden trả lời báo giới sau cuộc họp.
Mặc dù vậy, thúc đẩy đoàn kết với châu Âu chỉ là một trong hàng loạt thách thức của Biden khi xử lý tình hình Ukraine. "Tổng thống Mỹ có lẽ biết rằng ngay cả khi tìm ra được giải pháp hòa bình cho khủng hoảng Ukraine, vẫn còn Trung Quốc, Triều Tiên và Iran trong loạt đối thủ đang dàn hàng trước mắt ông", Collinson nhận định. "Điều đó đặt ra thách thức còn khó nhằn hơn với một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, vốn chưa khi nào tránh được khủng hoảng".
Ánh Ngọc (Theo CNN)