Covid-19 xuất hiện tại Rhode Island, bang có diện tích nhỏ nhất nước Mỹ, từ tuần trước, khi hai người từ Italy trở về dương tính với nCoV. Trong bối cảnh nỗi lo lắng lan rộng khắp bang, những người nghi nhiễm do giới chức y tế chỉ định đến bệnh viện xét nghiệm được yêu cầu ngồi nguyên trong xe, tới khi bác sĩ đến để kiểm tra cho họ.
Trong khi đó, giới chức hạt King, bang Washington, địa phương chiếm đa số trường hợp tử vong vì Covid-19 ở Mỹ, cho biết họ phải mua lại một nhà trọ để chứa các bệnh nhân cần cách ly. Tại vùng nông thôn Texas và một số nơi khác, những bệnh viện nhỏ không có kit xét nghiệm, còn phòng thí nghiệm lấy mẫu cách đó hàng giờ di chuyển.
Điều này đồng nghĩa với việc các bệnh viện không thể xác định chắc chắn những bệnh nhân Covid-19 có đang bị lẫn với số bệnh nhân mắc cúm mùa vốn rất đông đúc vào thời điểm này hàng năm hay không. "Không nơi nào có đủ bộ kit để xác nhận hoặc loại trừ ca nhiễm nCoV, hoặc cách ly và kiểm soát số bệnh nhân đó", John Henderson, giám đốc hiệp hội các bệnh viện nông thôn Texas, cho hay.
Các nhân viên y tế chuẩn bị rời trung tâm dưỡng lão Life Care ở thành phố Kirkland, bang Washington hôm 4/3. Ảnh: Reuters. |
Những hạn chế trên phơi bày nhiều lỗ hổng trong khả năng ứng phó của hệ thống y tế Mỹ với một dịch bệnh nghiêm trọng. Số ca nhiễm nCoV tại nước này đã lên hơn 200, xuất hiện tại ít nhất 19 bang, với 14 trường hợp tử vong, gồm 13 người ở bang Washington và một người ở bang California.
Những người trên tuyến đầu chống dịch đang cố gắng cải thiện các phương thức cũ từng dùng để xử lý mối đe dọa sức khỏe toàn cầu trước đây, như dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông), cúm H1N1 và Ebola. Tuy nhiên, Covid-19 dường như đặt ra thách thức mới, khi lây lan nhanh chóng với các triệu chứng nhẹ tương tự cúm.
Sự hoang mang đang bao trùm nước Mỹ, xuất phát từ tình trạng thiếu giường bệnh, máy thở, các phòng chăm sóc đặc biệt, bởi chúng tập trung chủ yếu ở những bệnh viện lớn và trung tâm nghiên cứu trong các đô thị. Những trung tâm y tế lớn cũng thường không còn chỗ trống ngay cả khi Covid-19 chưa xuất hiện.
"Hệ thống chăm sóc sức khỏe và bệnh viện của chúng tôi không đủ khả năng đương đầu với làn sóng bệnh nhân lớn, cũng như cách ly họ", Gerard Anderson, giáo sư về chính sách y tế và quản lý tại Đại học Johns Hopkins, cho biết.
Bất chấp nhiều tuần chuẩn bị ứng phó dịch, Mỹ vẫn thiếu khẩu trang và quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế, cũng như máy thở cho các ca bệnh nặng, khiến các nhà hoạch định y tế tức giận. "Chúng tôi cần khẩu trang và máy thở cho các cơ sở y tế ngay bây giờ", thượng nghị sĩ Patty Murray của bang Washington phát biểu hôm 3/3.
Giới chức Mỹ hồi năm 2005 ước tính nếu một dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra, như cúm Tây Ban Nha năm 1918, hơn 740.000 người sẽ cần máy thở. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết chỉ có khoảng 200.000 máy thở tại các cơ sở y tế Mỹ và kho dự trữ quốc gia.
"Nếu tình hình nghiêm trọng, chúng tôi sẽ không có đủ máy thở. Tôi không nghĩ nCoV là mối đe dọa nghiêm trọng. Nhưng nếu nhận định đó sai, chúng tôi sẽ phải đưa ra một số quyết định khó khăn", Crystal Watson, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói.
"Chúng tôi, cũng như tất cả bên liên quan, đều nhận thấy nhu cầu máy thở ngày càng tăng", Elijah A. White, chủ tịch công ty thiết bị y tế ZOLL, cho biết. "Không chỉ Trung Quốc, Mỹ, mà mọi nơi đều như vậy".
Những ca bệnh nặng cần đặt máy thở, nhưng không phải bệnh viện nào cũng có thiết bị này. Theo Christopher Greene, bác sĩ cấp cứu tại Đại học Alabama ở Birmingham, Mỹ, nhiều bệnh viện ở vùng nông thôn phải chuyển bệnh nhân đến những cơ sở y tế cấp cao hơn. Tình huống này lại đặt thêm thách thức với các nhân viên y tế và người điều hành xe cứu thương.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng tranh nhau tích trữ đồ bảo hộ đang gây ra sự thiếu hụt nguy hiểm trên toàn cầu, đặc biệt khi Trung Quốc, nơi Covid-19 khởi phát, đã ngừng xuất khẩu mặt hàng này. Trong khi đó, bộ máy y tế "cân đong đo đếm" từng khoản ngân sách của Mỹ không duy trì số lượng lớn nguồn cung dự trữ cho nguy cơ đại dịch, khiến hệ thống rất dễ bị tổn thương, William Jaquis, chủ tịch Hội Cấp cứu Mỹ, cho hay.
Ngân sách liên bang Mỹ tài trợ cho việc ứng phó tình huống y tế khẩn cấp ngày càng giảm. Theo học giả Watson, khoản ngân sách này đã bị cắt giảm một nửa hoặc hơn trong nhiều năm qua.
"Mọi chính quyền từ địa phương đến liên bang đều cắt giảm các chương trình này. Xu hướng đó đã diễn ra trong thời gian dài", Watson cho biết. Hồi năm 2003, chính phủ Mỹ tài trợ 1,4 tỷ USD cho việc công tác y tế dự phòng thông qua hai chương trình lớn, nhưng năm nay con số này chỉ còn 662 triệu USD.
Ít nhất 8 trong số 14 trường hợp tử vong vì Covid-19 ở Mỹ liên quan đến trung tâm dưỡng lão Life Care ở thành phố Kirkland, bang Washington, khiến nỗi lo lắng đổ dồn vào hơn 15.000 viện dưỡng lão và 20.000 nhà chăm sóc của Mỹ. Ước tính hơn 2 triệu người cao tuổi Mỹ đang được chăm sóc trong những địa điểm này.
Lisa Sweet, giám đốc lâm sàng thuộc Hiệp hội Hỗ trợ Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia, cho biết một số cơ sở dưỡng lão đã chuẩn bị kịch bản ứng phó với dịch bệnh. Các quản lý thực hiện loạt biện pháp đặc biệt như kiểm tra thân nhiệt nhân viên, nhắc nhở thành viên gia đình và nhà cung cấp dịch vụ tránh xa cơ sở nếu họ thấy không khỏe, nâng cao nhận thức về kiểm soát virus.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở dường như vẫn thờ ơ. "Họ không chuẩn bị gì và đang khiến những người cao tuổi lâm nguy", Sweet nói.
Bên cạnh việc nCoV dễ nhắm đến người già, một thách thức khác với các viện dưỡng lão là chỉ cần một nhân viên mắc bệnh, người đó có thể trở thành bệnh nhân "siêu lây nhiễm", Lauren Ancel Meyers, giáo sư tại Đại học Texas, cảnh báo. Thêm vào đó, nhiều trợ lý điều dưỡng có thể ngần ngại xin nghỉ nếu không khỏe, bởi họ không có nhiều ngày nghỉ phép.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ năm 2008, dựa trên kết quả khảo sát hàng trăm cơ sở dưỡng lão, cho thấy hơn một nửa số địa điểm này thiếu kế hoạch đối phó với một đại dịch. Chỉ khoảng một nửa số cơ sở có dự trữ vật tư y tế như găng tay, cồn, khẩu trang y tế và thuốc kháng virus.
"Tất cả cơ sở cần vạch sẵn kế hoạch kiểm soát lây nhiễm,bao gồm chiến lược giám sát những ca bệnh mới, báo cáo đầy đủ, đồng thời tiến hành các bước hạn chế virus lây lan và quản lý những người nhiễm bệnh", Beth Martino, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề công cộng thuộc Hiệp hội Chăm sóc Sức khỏe Mỹ, khuyến cáo.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)