Theo một thành viên đơn vị trinh sát trên không của Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 58 Ukraine, lực lượng Nga đang triển khai thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) có khả năng tác chiến ban đêm với tần suất lớn theo hướng thành phố Vuhledar, tỉnh miền đông Donetsk.
"Họ mang drone có thể hoạt động buổi đêm tới mặt trận này và đang tích cực sử dụng chúng. Các thiết bị này đã được cải tiến để tăng tầm bay và chúng tôi đang khốn khổ vì chúng", binh sĩ Ukraine cho hay.
Được mệnh danh là "sát thủ bóng đêm", các mẫu drone này của Nga được trang bị hai loại camera, gồm camera nhạy sáng có thể quan sát trong điều kiện ánh sáng tối thiểu và camera ảnh nhiệt có khả năng nhìn rõ bộ binh Ukraine trong bóng tối thông qua tín hiệu nhiệt phát ra từ cơ thể họ.
Lực lượng Ukraine hiện thường xuyên di chuyển vào buổi đêm để giảm thiểu nguy cơ bị đối phương tập kích, song sự xuất hiện của drone "sát thủ bóng đêm" khiến chiến thuật này không còn hiệu quả.
Một binh sĩ Ukraine có biệt danh "Potter" cho biết lực lượng nước này ở Donetsk đã áp dụng các biện pháp ngụy trang để đối phó với drone FPV chuyên tập kích ban đêm, song thừa nhận không có cách nào hiệu quả 100%.
"Chúng tôi phải tính toán kỹ các bước di chuyển để đề phòng trường hợp bị đối phương tấn công bằng loại drone này", Potter cho hay.
Tờ Kyiv Post nhận định điểm yếu của drone "sát thủ bóng đêm" là chúng được trang bị camera có độ phân giải thấp hơn so với các dòng camera thông thường, song vẫn cho rằng đây là vũ khí "có khả năng thay đổi cục diện chiến trường".
Tờ báo cho biết Ukraine cũng sở hữu công nghệ sản xuất drone trang bị camera ảnh nhiệt, song mức giá quá cao của loại khí tài này khiến chúng không được Kiev coi là ưu tiên.
"Vấn đề chủ yếu là chi phí sản xuất", phát ngôn viên của nhóm tình nguyện Escadrone, nhà sản xuất drone PFV lớn ở Ukraine, cho biết. "Một chiếc drone FPV thông thường có giá 500 USD, trong khi loại tương tự được trang bị thêm camera ảnh nhiệt có giá cao hơn gấp 5 lần".
Chuyên quân sự David Axe của Forbes cũng nhận định drone FPV thường không được trang bị camera ảnh nhiệt do chúng chủ yếu được dùng để tấn công tự sát, không thể triển khai nhiều lần.
"Việc gắn camera ảnh nhiệt giá hàng trăm USD cho những chiếc drone giá 500 USD là thách thức lớn về cả tài chính và hậu cần, trong bối cảnh Nga và Ukraine mỗi ngày triển khai hàng trăm chiếc drone kiểu này trên tiền tuyến", Axe nhận xét.
Tuy chưa sử dụng drone "sát thủ bóng đêm" nhiều như đối phương, lực lượng Ukraine cũng đã một số lần sử dụng khí tài này để gây thiệt hại cho quân đội Nga. Bộ Quốc phòng Ukraine hồi đầu tuần chia sẻ video Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 59 Ukraine triển khai drone trang bị camera ảnh nhiệt tập kích hai xe chiến đấu bộ binh (IFV) của Nga, khiến chúng phát nổ dữ dội.
"Kíp vận hành hai chiếc IFV nhận định rằng chúng sẽ an toàn khi di chuyển vào ban đêm. Tuy nhiên, đây là sai lầm nghiêm trọng", Bộ Quốc phòng Ukraine bình luận.
Hiện chưa rõ Nga đã bắt đầu sản xuất hàng loạt drone "sát thủ bóng đêm" hay chưa, song một chỉ huy Ukraine thừa nhận Moskva có đủ năng lực để chế tạo loại khí tài này "trên mức độ công nghiệp".
Phạm Giang (Theo Kyiv Post, Business Insider, Forbes)