Video được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 6/2 cho thấy các binh sĩ Nga phá mìn theo cách phi truyền thống ở địa điểm được cho là ở tỉnh Lugansk. Trong video, binh sĩ Nga dùng thanh gỗ dài đập mạnh vào quả mìn, tạo ra vụ nổ ở mức vừa phải. Binh sĩ này không mặc bất kỳ thiết bị bảo hộ nào và ngồi khá gần quả mìn, song vụ nổ dường như không khiến người lính bị thương.
Một binh sĩ Nga khác sử dụng phương pháp tương tự để vô hiệu hóa mìn chống bộ binh, với một cây gậy dài hơn. Người này có gắng đập mạnh xuống quả mìn nhiều lần song nó không phát nổ, buộc đồng đội của anh phải tới hỗ trợ.
Một binh sĩ thử lăn khúc gỗ vào quả mìn nhưng không có tác dụng. Phải tới khi người lính cố gắng dùng gậy đập thêm hai phát nữa thì quả mìn mới nổ tung, khiến một phần cây gậy văng về phía người cầm camera. Các binh sĩ Nga xuất hiện trong video đều không mặc đồ bảo hộ.
"Phương pháp này hơi kỳ quặc và không đảm bảo an toàn cho họ", biên tập viên Chris Panella của Business Insider bình luận, thêm rằng nguyên nhân khiến binh sĩ Nga mạo hiểm có thể là do họ lúc đó không có thiết bị rà phá mìn chuyên dụng.
Lính Nga dùng gậy gỗ phá mìn trong các video đăng ngày 6/2. Video: X/Osinttechnical
Lực lượng Nga không phải là bên duy nhất sử dụng phương pháp phi truyền thống để phá mìn. Hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội trước đó cho thấy binh sĩ Ukraine từng vô hiệu hóa mìn chống bộ binh bằng gậy dài, dây thừng, móc neo, dây bẫy... Trong một số video, họ còn thử ném lốp xe hoặc gạch để khiến quả mìn phát nổ.
"Mìn và các chất nổ khác không phải lúc nào cũng dễ nhìn thấy và có thể được giấu ở bất cứ đâu, từ đồ chơi trẻ em cho đến tủ lạnh. Họ cũng không thể luôn có sẵn thiết bị phá mìn chuyên dụng mỗi khi phát hiện chúng, nên phải dùng cách khác để ứng phó", Panella cho hay.
Dù thiết bị bay không người lái (UAV) và pháo là các loại vũ khí chủ đạo hiện nay trong xung đột ở Ukraine, mìn chống bộ binh và mìn chống tăng cũng được hai bên sử dụng với tần suất lớn trên chiến trường, đặc biệt là phía Nga. Hệ thống phòng tuyến kiên cố được gài mìn dày đặc của Moskva là một trong những nguyên nhân chính khiến chiến dịch phản công mà Kiev phát động năm ngoái thất bại, buộc họ phải rút lui và chuyển sang chiến lược phòng thủ chủ động.
Các binh sĩ Ukraine khi đó cho biết đà tiến của họ bị chậm đi rất nhiều do công binh phải liên tục rà phá mìn trước khi bộ binh, thiết giáp có thể đi tiếp. Chiến thuật này đang được lực lượng Ukraine áp dụng ngược lại để đối phó với các cuộc tập kích của Nga, gây nhiều khó khăn cho đối phương.
Báo cáo công bố tháng 6 năm ngoái của viện nghiên cứu GLOBSEC cho biết Ukraine đã trở thành "bãi mìn" lớn nhất thế giới, với khoảng 30% diện tích lãnh thổ cần được rà phá mìn kỹ lưỡng hậu xung đột. Ngân hàng Thế giới trước đó ước tính Kiev sẽ phải tốn ít nhất 37 tỷ USD để thực hiện hoạt động này.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV
Phạm Giang (Theo Business Insider)