Với dân số gần 24 triệu người, Đài Loan chỉ ghi nhận 440 ca dương tính với nCoV và 7 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Hà Lan, quốc gia có diện tích tương đương với dân số hơn 17 triệu người, báo cáo hơn 44.000 ca nhiễm và hơn 5.700 người chết vì Covid-19.
Câu hỏi đặt ra là điều gì đã làm nên sự khác biệt giữa hai nơi. Hà Lan không phải là hòn đảo tách biệt để có thể đóng cửa với phần còn lại của thế giới. Hà Lan cũng không chọn phong tỏa hoàn toàn vì cho rằng nó xâm phạm quá nhiều đến quyền riêng tư của người dân.
Khi Covid-19 tấn công Hà Lan hồi tháng 3, người dân được khuyến nghị hạn chế tới các khu vực bị ảnh hưởng. Khi đại dịch diễn biến nghiêm trọng hơn, gần như tất cả nỗ lực đều tập trung vào giảm thiểu tốc độ lây nhiễm và làn sóng bệnh nhân đổ về các bệnh viện.
Hà Lan cũng là một trong những quốc gia ít ỏi theo đuổi ý tưởng "miễn dịch cộng đồng" trong cuộc chiến với Covid-19. "Miễn dịch cộng đồng" là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc người dân trở nên miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm nhờ phục hồi sau khi mắc bệnh hoặc được tiêm vaccine. Một số chuyên gia tin rằng ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng của Covid-19 là khi 60% dân số bị nhiễm virus.
Để theo đuổi mục tiêu này, Hà Lan áp dụng một chiến lược chống dịch khá mềm mỏng, được giới chức nước này gọi là "phong tỏa thông minh". Với chiến lược này, Thủ tướng Mark Rutte cho biết ông tin tưởng vào ý thức trách nhiệm của người dân, đủ để tuân thủ yêu cầu hạn chế ra ngoài nhiều nhất có thể, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1,5 m và tự cách ly khi thấy không khỏe.
"Điều mà tôi biết là mọi người xung quanh tôi đều vui khi họ được đối xử như những người trưởng thành, không phải như những đứa trẻ", Thủ tướng Rutte hồi tháng 4 nói.
Để giảm mức độ lây nhiễm nCoV, trường học, văn phòng, nhà hàng và quán bar đều phải đóng cửa. Những công việc phải tiếp xúc trực tiếp với người khác cũng bị đình chỉ và tất cả các sự kiện đông người đều bị hủy.
"Chúng tôi nghĩ mình đã sáng suốt. Chúng tôi không muốn phản ứng thái quá và nhốt mọi người trong nhà", tiến sĩ Louise van Schaik thuộc Viện Quan hệ Đối ngoại Clingendael cho hay.
Khi số ca tử vong vì Covid-19 trong ngày giảm xuống dưới 100, nó được xem là minh chứng cho sự thành công của chiến lược "phong tỏa thông minh", theo Cha-Hsuan Liu, giảng viên về chính sách xã hội và y tế công tại Đại học Utrecht cho hay.
Thủ tướng Rutte trước đó cho rằng phải mất "nhiều tháng hoặc thậm chí lâu hơn để tạo ra miễn dịch cộng đồng".
Đài Loan cũng không lựa chọn phong tỏa để kiểm soát dịch. Các địa điểm công cộng, trường học, nhà hàng và cửa hiệu vẫn mở cửa kể từ khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán. Cuộc sống ở hòn đảo này dường như không thay đổi so với trước khi đại dịch xuất hiện.
Tuy nhiên, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã có những bước đi rất quyết liệt để ngăn dịch bùng phát, như nhanh chóng cấm tất cả người đến từ Trung Quốc và sau đó là các vùng dịch khác.
Những quyết định của Đài Loan một phần được thúc đẩy bởi thiếu niềm tin vào các thông tin mà Trung Quốc chia sẻ và việc Bắc Kinh ngăn cản hòn đảo này tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Những yếu tố này đã khiến Đài Loan phải tự tìm cách kiểm soát dịch và kiên quyết theo đuổi chính sách minh bạch thông tin y tế tối đa với người dân. Lịch sử và văn hóa Đài Loan cũng cho thấy người dân ở đây đặt lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân. Ngoài ra, những kinh nghiệm đối phó với các đợt dịch khác như SARS năm 2003 và cúm gia cầm năm 2013 đã giúp định hình phản ứng với Covid-19 cho hòn đảo này.
Nhưng cách chống dịch của Đài Loan không chỉ dựa trên ý thức trách nhiệm của từng cá nhân và còn dựa vào một hình thức kỷ luật tự giác được giám sát. Các biện pháp của Đài Loan có vẻ xâm phạm khá nhiều tới quyền riêng tư nhưng kết quả lại tạo ra một chính sách tự do đáng chú ý.
Một trung tâm chỉ đạo ứng phó với dịch (CECC) nhanh chóng được thiết lập để cung cấp thông tin cập nhật liên tục, bao gồm thông tin chi tiết về lịch sử tiếp xúc và đi lại của người nhiễm nCoV.
Nếu một bệnh viện phát hiện người có triệu chứng nhiễm virus, bệnh viện sẽ phải báo cáo ngay cho CECC, cơ quan chịu trách nhiệm truy vết lịch sử đi lại và tiếp xúc của người này tại các địa điểm công cộng, như siêu thị hay nhà hàng. Các công ty về dịch vụ di động cũng được yêu cầu gửi tin nhắn cảnh báo cho bất kỳ người nào có thể xuất hiện tại các địa điểm trong thời gian đó.
Một tin nhắn thường sẽ có nội dung như sau: Cảnh báo dịch. Có thể đã ở gần một người nhiễm virus. Hãy theo dõi tình hình sức khỏe cá nhân, tuân thủ nguyên tắc cách biệt cộng đồng, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và rửa tay thường xuyên. Nếu có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe, hãy liên lạc ngay với cơ sở y tế địa phương.
Tất cả điều này được thực hiện trên nguyên tắc bảo mật thông tin nên danh tính người nhiễm sẽ không được tiết lộ.
Đài Loan cũng giới thiệu hệ thống "hàng rào điện tử", cho phép giới chức địa phương theo dõi nơi ở của người phải cách ly. Nó cũng sử dụng tín hiệu di động để cảnh báo nếu một người tự ý rời khỏi khu cách ly được chỉ định và giới chức sẽ được thông báo ngay lập tức.
Dù người dân Đài Loan biết rõ việc giám sát này sẽ xâm phạm quyền riêng tư, đa số họ chấp nhận việc sử dụng dữ liệu cá nhân và sẵn sàng tuân thủ quy định của chính quyền. Việc đeo khẩu trang đã trở thành thói quen của người dân Đài Loan. Đồng thời, nó cũng được xem là ý thức đạo đức để bảo vệ những người xung quanh.
Tuy Đài Loan đã thành công với chiến lược chống dịch của họ, mô hình này cũng khó có thể áp dụng ở Hà Lan. Chính phủ Hà Lan từng cân nhắc thông qua việc sử dụng tự nguyện ứng dụng theo dõi Covid-19 nhằm cảnh báo người dùng nếu họ vô tình tiếp xúc với người nhiễm nCoV. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị bác bỏ sau cuộc tranh luận quốc gia về quyền riêng tư và vấn đề an ninh. Trong khi đó, Thủ tướng Rutte và nội các của ông đã bắt đầu thực hiện kế hoạch nới lỏng hạn chế kéo dài 4 tháng.
Tuy nhiên, Jaap Bos, phó giáo sư về khoa học xã hội liên ngành tại Đại học Utrecht, nhận định điểm khác biệt quan trọng nhất là Hà Lan đề cao các giá trị tự chủ và tự do, nên giao trách nhiệm về vấn đề sức khỏe của tập thể cho cá nhân mà không có sự giám sát, theo dõi. Cái giá người dân Hà Lan phải trả cho sự tự do này chính số người chết vì nCoV cao hơn 800 lần Đài Loan. Ngược lại, Đài Loan yêu cầu giám sát và tuân thủ nhiều hơn từ phía người dân, nhưng kết quả họ nhận về một dân số khỏe mạnh hơn, cảm giác an tâm hơn và cuối cùng chính là tự do hơn.
Thanh Tâm (Theo Guardian, BBC)