Israel ngày 23/9 mở đợt tập kích nhắm vào hơn 1.300 mục tiêu của Hezbollah ở Lebanon, khiến ít nhất 492 người thiệt mạng, trong đó có trẻ nhỏ và phụ nữ, và hơn 1.600 người bị thương. Chưa rõ có bao nhiêu thành viên Hezbollah thương vong.
Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres, cho biết ông "vô cùng quan ngại" trước tình hình leo thang và con số thương vong dân thường ở Lebanon.
Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), lo ngại đụng độ giữa Israel và Hezbollah sẽ đẩy Trung Đông vào nguy cơ xảy ra "xung đột toàn diện". "Chúng ta gần như đang chứng kiến cuộc xung đột toàn diện. Nhiều cuộc không kích hơn, nhiều thiệt hại hơn, nhiều nạn nhân hơn", ông Borrell nói.
Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đang cố gắng xoa dịu tình hình. "Nhóm của tôi liên tục liên lạc với các đối tác. Chúng tôi đang nỗ lực hạ nhiệt tình hình, giúp người dân có thể trở về nhà an toàn", ông nói khi hội đàm với Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Mohamed bin Zayed Al Nahyan tại Nhà Trắng.
Lầu Năm Góc thông báo đang triển khai bổ sung lượng nhỏ quân nhân đến Trung Đông khi căng thẳng khi vực này leo thang.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo rằng các cuộc tập kích của Israel vào Lebanon sẽ đẩy Trung Đông chìm sâu trong hỗn loạn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp.
"Tất cả tổ chức có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh thế giới, nhất là Hội đồng Bảo an LHQ và các cơ chế quốc tế, phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết ngay lập tức. Những nước ủng hộ Israel vô điều kiện đang giúp Thủ tướng Benjamin Netanyahu gây đổ máu vì lợi ích chính trị cá nhân", Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố cho hay.
Pháp kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn nhằm thảo luận về tình hình ở Lebanon. Ai Cập cũng đề nghị cơ quan này nhanh chóng can thiệp.
Sau đòn tập kích quy mô vào miền đông và nam Lebanon hôm 23/9, Thủ tướng Netanyahu yêu cầu người dân Lebanon tránh xa nguy hiểm, đồng thời tuyên bố Israel "không ngồi im chờ bị đe dọa" mà sẽ "phủ đầu trước".
Hezbollah bắt đầu tăng cường tấn công miền bắc Israel kể từ tháng 10/2023 nhằm thể hiện ủng hộ với nhóm Hamas tại Gaza, khiến Tel Aviv liên tục đáp trả. Giao tranh khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là thành viên Hezbollah cùng hàng chục binh sĩ Israel và một số dân thường hai nước. Tuy nhiên, hai bên nhìn chung vẫn kiềm chế, tránh để nổ ra xung đột tổng lực.
Tình hình leo thang khi giới lãnh đạo Israel chịu áp lực vì hàng chục nghìn cư dân đã sơ tán khỏi khu vực gần biên giới với Lebanon không thể trở về nhà do mối đe dọa từ Hezbollah. Chính phủ Israel tuần trước khẳng định một trong những mục tiêu chính của họ là giúp cho những cư dân miền bắc được về nhà an toàn.
Ngọc Ánh (Theo AFP, Reuters)