Ứng dụng sinh học phân tử, và các phương pháp vi sinh vật truyền thống, nhóm nghiên cứu Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xác định và phân lập các nhóm vi sinh vật khu sinh thái rong biển nhiệt đới, từ đó sàng lọc các chủng có tiềm năng ứng dụng trong y dược, chế phẩm nông nghiệp hữu ích cho cây rong.
Nghiên cứu được thực hiện trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Đức, do Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Khoa học và Công nghệ) hỗ trợ, giao Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thực hiện.
TS Lê Hữu Cường, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, các nhóm vi sinh này có thể là đặc hữu cho từng loài cây, hoặc vi sinh vật vãng lai, có thể là có lợi hoặc có hại, nhưng đóng vai trò quan trọng đối với sinh trưởng của cây.
Sản lượng và chất lượng rong phụ thuộc vào cấu trúc hệ sinh thái vi sinh vật sống bám hoặc nội sinh. Quần thể vi sinh vật được điều chỉnh bởi thời tiết, vùng địa lý, thành phần môi trường nước biển. Việc biết chính xác cấu trúc hệ vi sinh vật trên rong biển giúp hạn chế mầm bệnh, tìm ra những nguồn gene quý có lợi, phát triển nghề trồng rong bền vững.
Trong quá trình nghiên cứu, nhiều mẫu rong sụn (tên khoa học Kappaphycus alvarezii) và sụn gai (Euchema denticulatum) cùng gần 30 loại rong hoang dại được thu tại vịnh Vân Phong, Cam Ranh ở Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Thuận. Nhóm nghiên cứu phân lập hơn 200 chủng vi sinh vật. Các chủng này được sàng lọc bằng phương pháp lên men thu được nhóm có hoạt tính y dược, nhóm có hoạt tính enzyme (gồm carrageenase, fucoidanase), nhóm ức chế bệnh trắng nhũn thân ở cây rong biển.
Để nghiên cứu đa dạng vi sinh vật, nhóm ứng dụng kỹ thuật điện di PCR-DGGE (điện di biến tính). Theo TS Cường, kỹ thuật này có ưu điểm nhanh (3-7 ngày), chính xác, phù hợp để nghiên cứu một lúc nhiều mẫu rong thu thập tại các thời điểm, vị trí địa lý khác nhau.
Sự thay đổi nhóm vi sinh vật, hay mật độ của cá thể nào đó trên cây rong trong quá trình nuôi trồng, có thể ghi lại được bằng kỹ thuật này, phát hiện được sớm sự xuất hiện bệnh. Từ đó có thể xác định, theo dõi biến động quần thể vi sinh vật trong đầm nuôi rong. Nếu có sự xuất hiện nhóm gây bệnh trắng nhũn có thể chủ động điều chỉnh phương pháp canh tác cho phù hợp. Bệnh trắng nhũn ở rong có thể làm thất thoát 40-60% sản lượng rong và giảm chất lượng sản phẩm carrageenan (từ cây rong).
"Việc lập ngân hàng gene, hay các phương pháp metagenomics là cơ sở để phân tích tác nhân vi khuẩn gây bệnh tiềm tàng cho rong mà bằng phương pháp phân lập truyền thống khó phát hiện được sự có mặt của vi khuẩn gây bệnh. Trên cơ sở đó, các vi sinh vật gây bệnh tiềm tàng sẽ được phân lập, sử dụng các môi trường điều kiện đặc thù cho loài, hay chi đó", TS Cường nói và cho biết nhóm đã tạo 8 thư viện gene 16S rRNA cho cả vi khuẩn và nấm trên rong Kappaphycus alvarezii và Euchema denticulatum.
Ngoài ra, chủng vi sinh vật ức chế bệnh trắng nhũn thân được nghiên cứu tạo chế phẩm dùng để bón cho cây rong biển trong quá trình nuôi trồng, nhằm hạn chế bệnh tật.
Tại các nước có nghề rong phát triển như Indonesia, Philippines đã có nhiều nghiên cứu về bệnh ở rong. Các vi khuẩn gây bệnh rong mang tính đặc thù cho mỗi vùng địa lý. Vì vậy, nghiên cứu, phát hiện vi khuẩn gây bệnh ở rong trồng tại Việt Nam rất cần thiết, từ đó phát triển các loại chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh tật.
Theo TS Cường, nhóm cũng đã có một số chủng vi khuẩn đối kháng bệnh trắng nhũn. Việc nghiên cứu để phát triển chế phẩm sinh học cho rong đang ở giai đoạn thử nghiệm đầu. Để đánh giá hiệu quả phòng ngừa bệnh, cần được thực hiện trên quy mô lớn và lặp lại một số vụ trồng khác nhau.
Độc giả muốn biết thêm thông tin về nghiên cứu, liên hệ với Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia tại website:http://vpctqg.gov.vn.